Giá hàng hóa “đua” theo giá xăng
Sau tăng “sốc”, giá xăng dầu có thể sắp tăng tiếp
Giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít: Nỗi khổ đổ lên đầu nông dân
Người “cắn răng”, kẻ “té nước"
Tại Hà Nội, trong khi các đầu mối phải “cắn răng” giữ mối, tiểu thương ở các chợ nội thành “té nước” theo giá xăng. Chị Trần Thị Hạnh, một tiểu thương tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), cho biết, chị nhập rau tại chợ Long Biên, với giá cải ngồng 5.000 đồng/kg; cải mơ 1.700 đồng/bó (tương đương 7.000 đồng/kg); mùng tơi 2.000 đồng/bó (tương đương 6.000 đồng/kg)… Tuy nhiên, những loại rau trên, chị bán tại chợ Thành Công tăng lên 30-50%, tùy từng loại do “tăng giá xăng”. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm như thịt lợn, gà, bò, cá… dù đang giữ giá, nhưng theo các tiểu thương, sớm muộn, giá cũng đẩy lên vì giá cước vận chuyển tăng cao.
Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá sau khi giá xăng tăng. Ảnh: Như Ý.
Tại TPHCM, bà Hương, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), nói rằng, giá bán buôn nhiều mặt hàng đã tăng, như đường cát tăng 10.000 đồng/bao 50 kg, một số hãng nước mắm tăng 2.000-3.000 đồng/chai, dầu ăn tăng 3.000 -4.000 đồng/chai, nhưng do ế ẩm nên tiểu thương vẫn tính giá cũ. Tuy nhiên, tại các chợ bán lẻ đông đúc như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá thịt heo, thịt gà, cá đã nhích lên. Giá thịt heo tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, thịt gà thả vườn tăng 3.000 đồng/kg, cá rô đồng tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Riêng các mặt hàng rau, củ, quả tăng từ 2.000 đồng - 10.000 đồng/kg so với đầu tuần trước.
Giá xăng tăng, sức ép đè nặng lên các doanh nghiệp (DN) sản xuất có yếu tố vận chuyển có tỷ lệ cao trong giá thành. Ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, nói: “Các khâu trong chuỗi sản xuất chúng tôi đều “ăn” xăng dầu rất nhiều, từ vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm đến kho, khách hàng tăng lên”. Theo ông, khi khâu đầu vào tăng, DN có thể tăng giá phân bón. “Nhưng giá phân bón xu hướng giảm, nông sản mất giá, sức mua của bà con cũng giảm. Chúng tôi không thể đẩy giá phân bón lên, nên các chi phí đó sẽ “cắn” vào phần lãi của chúng tôi rất lớn”, ông Tải nói.
Taxi đồng loạt đòi tăng giá
Tại Hà Nội, một lái xe (xin giấu tên) hãng taxi Thủ Đô cho biết, sau lần giá xăng tăng mạnh hôm 11/5, hiện mỗi ngày anh mất thêm 30.000-40.000 đồng tiền xăng. Trong khi đó, toàn bộ chi phí xăng dầu do tài xế tự chi trả, mỗi tháng trả cho hãng hơn 1 triệu đồng, còn lại là thu nhập của lái xe. “Do vậy, nếu giá cước tăng thêm khoảng 500 đồng/km là hợp lý”, anh nói.
Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, tổng mức giá xăng tăng sau hai đợt vừa qua (ngày 11/3 và 11/5) là 3.600 đồng/lít. Hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội đều đề nghị tăng giá cước, và chắc chắn sẽ tăng thời gian tới. “Mức cước các hãng taxi tại Hà Nội dự kiến tăng thêm 500- 1.000 đồng/km”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, chi phí nhiên liệu chiếm 28 - 30% giá cước taxi. Ông nhẩm tính, mỗi xe taxi hoạt động trung bình khoảng 200km/ngày, mất gần 20 lít xăng. Với mức tăng giá trên, tài xế mất thêm 70.000 đồng/ngày, tính ra mỗi tháng 2,1 triệu đồng và phần này lái xe phải tự “móc túi” chi trả. Ngoài ra, phí điều chỉnh đồng hồ cước taxi cũng tốn kém, mỗi lần khoảng 500.000 đồng/xe.
“Muốn giá cước vận tải đúng theo thị trường, các cơ quan quản lý phải cải cách thủ tục hành chính, để thị trường tự điều chỉnh, không can thiệp thô bạo vào hoạt động DN. Khi có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa, ai tăng giá bất hợp lý, hoặc không giảm giá theo thị trường sẽ bị khách hàng tẩy chay, buộc họ phải tính đúng, tính đủ”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam.
Trong khi đó, hiện xe tải lại ít chịu tác động bởi hai đợt tăng giá xăng dầu vừa qua. Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Vận tải Minh Hiền (Hải Phòng), cho biết, dù giá xăng tăng mạnh, nhưng dầu tăng chưa tới 1.000 đồng/lít hồi từ tháng 3 và ổn định tới nay. Xe vận tải container đều chạy dầu, nên cước vẫn ổn định. Theo ông, chi phí nhiên liệu chiếm 40-50% cước vận tải container. “Cước vận tải container chỉ được điều chỉnh khi giá dầu tăng hoặc giảm 2.000-3.000 đồng/lít để bù chi phí nhiên liệu. Hiện ngành vận tải cạnh tranh rất gay gắt, hàng hóa ít, nên các doanh nghiệp phải cân nhắc”, ông Thế Anh nói.
Đại diện một số hãng taxi thuộc Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, các đơn vị đang rà soát, tính toán để tăng giá cước phù hợp. Mức tăng ít nhất là 500 đồng/km.
Đại diện hai bến xe liên tỉnh lớn nhất TPHCM (Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây) cho biết, chưa nhận được đề xuất tăng giá vé của các doanh nghiệp đang kinh doanh trong bến. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, việc điều chỉnh giá cước (nếu có) chỉ diễn ra sau 10-15 ngày kể từ lúc điều chỉnh giá xăng dầu.
Ngừng kê khai tăng giá không phù hợp
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết, khi giá xăng dầu tăng khoảng 10%, các hãng vận tải sẽ điều chỉnh cước. Do đó, tới đây, giá cước vận tải sẽ tăng 4-5% so với hiện tại.
Riêng với taxi, theo ông Thanh, để điều chỉnh cước, các DN mất nhiều thời gian và tiền bạc để chỉnh đồng hồ, in lại bảng giá trên thành xe. Do đó, ông Thanh cho rằng, nên cho phép DN tự điều chỉnh đồng hồ và tự chịu trách nhiệm trước khách hàng. Nếu cơ quan nhà nước kiểm tra phát hiện gian lận đồng hồ, lập tức rút giấy phép kinh doanh. “Nếu quy định như vậy sẽ không DN nào dám vi phạm, việc điều chỉnh cước cũng thuận tiện và theo thị trường hơn”, ông Thanh nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy trình phân cấp quản lý, Sở Tài chính các địa phương cùng các cơ quan khác nằm trên địa bàn sẽ quản lý trực tiếp về giá. Trong nhóm mặt hàng cần tăng cường thanh kiểm tra, cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng... cần được chú ý. “Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường”, Cục Quản lý Giá yêu cầu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét