Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Rùng mình những căn hộ “hứng nước thải” ở Hà Nội

 Rùng mình những căn hộ “hứng nước thải” ở Hà Nội - 1

Khu tập thể Nhà máy Thuốc lá Thăng Long xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn đèo chằng chịt “ba lô”. Ảnh: M.Nguyễn

Vào bếp, nhà tắm là dính nước thải

14 năm sống tại phòng 414, chung cư B1, khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa), gia đình bà Khổng Thị Hồng Lê đang phải chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của căn nhà này. Không chỉ nhà bà Lê, các hộ khác trong khu tập thể cũng phải chịu chung cảnh nền nhà sụt lún, tường nứt nẻ, vôi bong tróc, ẩm mốc và thường bị dột vào những ngày mưa lớn.

Chỉ vào chỗ xi măng mới đắp và những mảng sơn đang tróc trên nền tường, bà Lê cho biết: “Căn nhà này không biết đã sơn đi sơn lại bao nhiêu lần mà chẳng ăn thua gì. Để lôm nhôm thì bẩn không chịu được, nhưng cứ sơn vào thì chỉ đẹp được dăm bữa, nửa tháng, rồi đâu lại vào đấy. Tường nhà lúc nào cũng trong tình trạng bị ẩm mốc thì có đắp mấy cũng bong ra thôi”.

Chưa hết, “trần và nền khu vực phía nhà tắm cũng phải vá lên vá xuống mà vẫn chưa ổn. Nước từ tầng trên vẫn rỉ xuống mà tầng dưới thì vẫn lên kêu. Khổ lắm, ở giữa nhiều lúc chết chẹt mà không dám đục nữa vì sợ vỡ hẳn ra”, bà Lê than thở.

Gia đình ông Khoa cùng dãy với bà Lê cũng trong tình trạng tương tự. Tường nhà ẩm mốc, ngả màu lốm đốm, hoen ố. Vết nứt to trong khu vực bếp và nhà tắm khiến gia đình ông luôn phải chịu cảnh hứng nước thải từ trên tầng trên rỉ xuống. Ngày mưa, dù đã bố trí rất nhiều xô, chậu hứng nhưng nước vẫn lênh láng nền nhà. Ông Khoa cho biết: “Nhà tôi vừa phải thay mấy chiếc tủ bằng gỗ ép. Dù mới mua chưa lâu nhưng mốc hết cả, bóp nhẹ mà cũng bục cả ra”.

Đứng nấu cơm, đá rơi toạc đầu

 Rùng mình những căn hộ “hứng nước thải” ở Hà Nội - 2

Những thanh sắt lộ ra cùng những cục bê tông có thể rơi bất cứ lúc nào trong khu bếp nhà bà Lê.

Không chỉ nứt nẻ, bong tróc, khu phòng khách và khu bếp nhà bà Lê, phần vôi, xi măng bề ngoài hầu như không còn, những thanh sắt và bê tông lơ lửng nhô hẳn ra ngoài. “Cách đây không lâu, khi đang đứng nấu cơm, tôi bị một cục đá nhọn rơi trúng đầu. May chỉ bị xây xát phần ngoài nhưng cũng làm cả nhà hú vía”, bà Lê cho biết. Ngoài phòng khách, phần diện tích bị bong tróc lộ trơ sắt rộng hơn một chiếc chiếu ăn cơm. Mới đây, gia đình bà phải thuê thợ đến ốp nhựa cứng trần nhà để “trông đỡ ghê chứ chẳng biết có “trụ” được bao lâu”.

“Mỗi lần sửa hết mấy triệu bạc vẫn chẳng đâu vào đâu, tốn kém đấy mà cũng chẳng yên tâm. Đứng trong bếp nấu cơm lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Vừa nấu ăn vừa ngửa mặt lên nhìn, chẳng biết nó sập lúc nào. Khổ lắm mà chẳng biết kêu ai”, bà Lê than thở.

Ông Nguyễn Hải Tâm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 24, khu tập thể Nam Đồng cho biết: “Khu chung cư năm tầng B1 được xây dựng từ năm 1973. Đến nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Dãy nhà đã bị nghiêng, đứt gãy nhiều đoạn, hệ số an toàn thấp do xây dựng khá lâu và phải đèo “ba lô” quá nặng. Tổ dân phố đã nhiều lần thông báo nhắc nhở người dân không được tự ý cơi nới, dựng “chuồng cọp”, đục đẽo tường gây ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà. Hiện cả dãy có 90 hộ dân sinh sống, trong đó đa phần là người già, hưu trí. Mặt bằng tầng một hầu như cho thuê để buôn bán, kinh doanh nên việc tự ý xây dựng, lấn chiếm lòng đường là không tránh khỏi”. Ông Tâm cho biết thêm, đã có nhiều cuộc họp bàn bạc đến vấn đề cải tạo nhà nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn và người dân hàng ngày vẫn phải sống trong sợ hãi.

Chạy cả trăm mét để đi vệ sinh

Tòa nhà F5 thuộc khu tập thể Thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Quan sát từ ngoài vào, tòa nhà trông vô cùng nhếch nhác với những “chuồng cọp” nhô ra, nhô vào. Lối lên sâu hun hút, tối om như một cái hang. Tường nhà bong tróc, ngả màu hoen ố. Tay vịn cầu thang đứt gãy, bậc lên xuống cũng lởm chởm từng mảng. Trên sân thượng, những mạch xi măng ngày một nứt rộng hơn. Mái trần bị nghiêng hẳn sang một bên do phải “gánh” hàng chục bồn nước inox. Cuộc sống của gần trăm hộ dân đang bị đe dọa từng ngày.

Chị Nguyễn Thị Sự, thuê trọ gần 2 năm trên tầng 4 của tòa nhà này ngao ngán: “Nền cầu thang thấp lại không có chỗ thoát nước, chỉ cần mưa to chưa đầy một giờ đồng hồ là ngập hết. Rác nổi lềnh bềnh mà chúng tôi vẫn phải xắn quần, lội nước cống để đi. Ngứa lắm, chỉ sợ về bị ghẻ nhưng vẫn phải chịu thôi chứ biết làm thế nào”. Chị Sự cho biết thêm, chỉ cần mưa nhỏ, tường nhà chị đã bị ngấm nước, quần áo treo trên móc nếu không để ý là bị ố hết. Còn nếu mưa to kéo dài thì xô, chậu sẽ được mang ra “hoạt động hết công suất” để hứng vì dột khắp nơi.

Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề nan giải nhất của người dân tòa nhà này. Theo chị Sự và hầu hết mọi người sống ở đây, khổ nhất là vấn đề “giải quyết nhu cầu cơ bản của con người”. Thuê nhà ở đầu dãy mà nhà vệ sinh chung lại ở cuối dãy, mỗi lần muốn đi vệ sinh, chị Sự lại phải chạy ngót nghét cả trăm mét mới tới nơi. “Đêm hôm muốn đi vệ sinh cũng nản, hành lang thì không thắp điện, tối om. Có thắp thì cũng nhập nhoạng được một lúc rồi lại tắt. Có hôm đèn nhà vệ sinh hỏng, tôi phải dùng đèn pin điện thoại để soi. Cứ mò mò trong đêm như bóng ma di dộng, nghĩ lại cũng thấy rùng mình”, chị Sự thở dài.

“Cả khu không có chỗ gửi xe, nhà nào nhà nấy phải tự túc. Ban đầu, để tiết kiệm, mọi người vẫn “phi” xe lên cầu thang cất trong nhà. Xe đạp dắt còn dễ, xe máy thì nguy hiểm hơn. Đã có trường hợp cả người và xe đổ “uỳnh” ở cầu thang, sứt đầu, mẻ trán. Thấy nguy hiểm, nhiều nhà chọn phương án gửi xe ở sân nhà văn hóa cách đấy vài trăm mét. Biết là tốn kém nhưng an toàn hơn”.

Khổng Thị Hồng Lê, chung cư B1, khu tập thể Nam Đồng

 

Source : 24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét