Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Hoang mang với bao trái “thần kỳ” biến vỏ xanh thành vàng bóng

Hoa mắt với các loại bao trái

Từ thông tin phản ánh của các nhà vườn, ngày 22.5, phóng viên NTNN đi dọc theo QL1, đoạn qua địa bàn xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ghi nhận nơi đây có nhiều cửa hàng tạp hóa, đại lý, sạp bán trái cây…giới thiệu các loại bao trái (túi bọc trái cây) với dòng chữ “Made in Taiwan”.

 Hoang mang với bao trái “thần kỳ” biến vỏ xanh thành vàng bóng - 1

Nhiều nhà vườn ở huyện Cái Bè   lo ngại về chất lượng loại bao trái.  Ảnh: Huỳnh Xây

Trong vai những người cần mua vỏ bao trái, chúng tôi được bà N chủ một đại lý thuốc bảo vệ thực vật tại ấp 5, xã An Hữu giới thiệu nhiều loại bao trái như: Loại bao xoài màu trắng có giá 600 đồng/bao; bao màu đen 1.200 đồng/bao, ngoài ra còn có loại bao mới đưa ra trưng bày, giới thiệu là loại bao xoài màu xám, loại bao chuối...

Bà N cho biết: “Tôi lấy nhiều loại bao trái này từ Đồng Tháp về bán lại cho dân địa phương. Do mới bán nên không biết rõ chất lượng trái được bao sẽ như thế nào và xuất xứ loại bao này từ đâu. Tuy nhiên, tôi biết cơ bản là loại này có tác dụng làm cho trái trắng, bóng và bán được giá hơn so với loại trái không bao”. Theo nhiều chủ cửa hàng cho biết, nơi cung cấp sản phẩm này nhiều nhất là Đồng Tháp và TP.HCM.

Anh Hà Văn Phong, ngụ ở ấp 1, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè cho biết: “Tôi có 7.000m2 đất vườn trồng khoảng 500 cây xoài cát Hòa Lộc. Thấy nhiều người rao bán loại bao trái nên trước Tết Nguyên đán, tôi có mua bao trắng và một số loại bao đen về làm thử. Kết quả, trái xoài bóng láng, trong rất đẹp mắt. Riêng chỉ có bao trái màu đen làm cho trái xoài chuyển sang màu vàng khi trái chưa chín. Lúc đó, tôi bán được 56.000 đồng/kg trong khi giá thị trường là 29.000 đồng/kg”.

Không riêng gì ở huyện Cái Bè, mà nhiều nhà vườn ở các địa phương khác đã và đang sử dụng loại bao trái trên để làm đẹp sản phẩm, nhất là ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) và huyện Tam Bình (Vĩnh Long).

Theo Tổ hợp tác sản xuất xoài tứ quý vàng Thuận Thành (xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), vụ xoài tết vừa qua, tổ đã mua khoảng 2.100 bao trái loại đen để làm thử nghiệm trên khoảng 3.000m2 vườn xoài tứ quý (trên 200 cây). Kết quả khiến nhiều thành viên trong tổ bất ngờ là loại bao trái có khả năng làm cho trái và cuống xoài chuyển sang màu vàng. “Loại bao trái này có chất liệu như giấy dầu, không tan trong nước và có thể sử dụng khoảng 3 vụ xoài, nhưng vụ sau sẽ không cho trái vàng, bóng láng như vụ sử dụng trước đó” - ông Trần Văn Trung - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất xoài tứ quý vàng Thuận Thành thông tin.

Cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn

Theo phản ánh từ các nhà vườn, hiện nay họ đang rất mù mờ, không biết những bao trái đó có gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng hay không. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nếu thực sự có tác hại thì khuyến cáo nhà vườn ngừng sử dụng.

  “Bao trái loại màu đen có mùi hôi rất khó chịu khi đem ra sử dụng. Mặc dù sản phẩm trái xoài đẹp nhưng tôi không dám ăn vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.     

Để tìm hiểu rõ hơn về việc mua bán và sử dụng loại bao trái có tác dụng “thần kỳ” trên, phóng viên NTNN đã gặp ông Đỗ Thanh Toàn – cán bộ nông nghiệp xã An Hữu.

Anh Hà Văn Phong

Ông Toàn nói: “Người dân trong xã có sử dụng loại bao trái có xuất xứ nước ngoài nhưng họ cũng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Khi chúng tôi hỏi các điểm bán thì họ nói không biết có chất gây hại gì cho sức khỏe người dân không. Còn người dân mua trái xoài vàng về nhà thì cũng chỉ để chưng thôi chứ không dám ăn. Các thương lái cũng không dám mua nhiều vì sợ bán không được. Chúng tôi đã báo vụ việc lên các cơ quan cấp trên”.

Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cái Bè thì thông tin: “Trước đây, nhiều năm đã xuất hiện một số loại bao trái sản xuất trong nước để làm cho trái không bị côn trùng, dịch hại tấn công và nó đã mang lại hiệu quả cao, giúp tăng chất lượng, năng suất nông sản của người dân. Chúng tôi đã tìm hiểu và biết có một số loại bao trái có xuất xứ ở Đài Loan. Có thể loại này làm cho ánh nắng không vào được vỏ trái nên làm cho nó chuyển màu và đẹp hơn”.

PGS-TS Trần Văn Hậu - Giảng viên chính Bộ môn Khoa học Cây trồng thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường đại học Cần Thơ nhận định rằng: “Loại bao trái trên là bình thường, không có hóa chất. Cơ chế của nó là làm cho trái không hấp thu được ánh sáng, bị mất đi chất diệp lục. Kết quả là làm cho trái có màu vàng”.

Ông Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết: “Hiện nay có rất nhiều loại bao trái được bán tràn lan trên thị trường có xuất xứ từ nước ngoài, chất lượng vẫn chưa thể khẳng định được, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng”.

Source : 24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét