Xăng còn tăng giá bất hợp lý thì…
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nói: “Chúng ta luôn nói do giá xăng dầu thế giới tăng cao nên phải tăng giá trong nước, nhưng khi nói đến xuất khẩu dầu thì lại thấy công bố giá sụt giảm ghê gớm, kéo theo giá trị xuất khẩu dầu giảm mạnh”. Cứ cho dầu thô xuất đi với xăng nhập về khác nhau không thể so sánh. Song theo ông Thắng, nhìn vào công bố mới đây về giá xăng dầu nhập khẩu của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong 4 tháng đầu năm sẽ thấy rõ giá nhập về thì giảm mà giá bán trong nước lại tăng lên. Theo thống kê của VINPA, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước 4 tháng đầu năm nay là 3,58 triệu tấn, tăng 22,5%. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước nên giá trị nhập khẩu là gần 2 tỷ USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Khi các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng, các bà nội trợ sẽ phải đắn đo khi đi chợ. Ảnh chụp tại chợ Bắc Qua, Hà Nội. Ảnh: L.H.T
“Giá xăng dầu bán trong nước còn tăng bất hợp lý như thế làm sao đòi hỏi giá cả các hàng hóa khác mà xăng dầu là đầu vào quan trọng có thể phù hợp?!” - ông Thắng đặt câu hỏi. Ông Thắng khẳng định: Với giá xăng tăng gần 5.000 đồng/lít từ đầu năm tới nay, giá vận tải chắc chắn lại sắp đi đầu “sốt sình sịch” chỉ trong nay mai.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhẩm tính, giá xăng đến nay đã tăng gần 20%. Trong khi đó, xăng chiếm khoảng 40% chi phí của hoạt động taxi nên giá cước taxi sẽ tăng khoảng 8-10% so với hiện nay (tương đương khoảng 1.000-1.500 đồng/km). “Một số hãng taxi đã tăng 500-1.000 đồng/km; hãng nào chưa tăng lần này chắc chắn sẽ tăng”- ông Thanh khẳng định thêm.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch thì cho biết, thức ăn chăn nuôi là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng giá xăng dầu. Theo ông Lịch, chi phí vận chuyển thức ăn chăn nuôi sẽ tăng ít nhất 3-5% trong thời gian tới. “Áp lực cạnh tranh trong ngành thức ăn chăn nuôi rất lớn, nhất là với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế. Người chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn chồng chất, thua lỗ do giá xuất chuồng thấp. Lần này, chi phí đầu vào tiếp tục tăng lên, người nuôi khó trụ vững”- ông Lịch nói.
Cản trở sức mua của người dân…
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc quản lý và điều hành giá cả hiện nay đang gây khó cho doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là người nông dân. Giá xăng dầu trong nước tăng quá lớn và vẫn là “tăng khủng giảm nhỏ giọt” trong khi biến động giá thế giới không thực sự gây “sốc” cho giá trong nước đến như vậy. “Tổng cộng 3 lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay đã là 4.750 đồng/lít nên chắc chắn sẽ tác động mạnh tới giá vận tải, hàng hóa, kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ trung gian khác tăng lên. Cuối cùng người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, nông dân đang khó khăn phải gánh chịu”- ông Phú nói.
Theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) mới đây, cơ quan này dự báo giá tiêu dùng tháng 5 sẽ chỉ tăng nhẹ dù giá xăng dầu tăng. Lý do theo cơ quan này, cân đối cung- cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững giúp mặt bằng giá được dự báo ổn định. Sức ép lên mặt bằng giá tháng 5 chỉ có các yếu tố như: Thời tiết chuyển mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hoá tăng nhẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo giá xăng tăng sẽ khiến CPI tháng 5.2015 tăng trực tiếp thêm 0,12-0,15%. Nhóm giao thông vận tải sẽ tăng giá đáng kể. CPI cả tháng 5.2015 dự báo sẽ tăng 0,25-0,3% so với tháng 4. Sang tháng 6 tới, dự báo CPI sẽ tăng mạnh hơn, chưa kể biến động giá xăng là lý do để các đơn vị khác tăng giá theo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, giá cả có xu hướng tăng lên sẽ gây khó cho sản xuất của nền kinh tế, cản trở sức mua của người dân. Người dân sẽ càng tiết kiệm, chắt bóp chi tiêu và như vậy doanh nghiệp cũng không thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Thống kê cho thấy, từ Tết Nguyên đán đến nay, tổng mức bán lẻ chỉ bằng 1/2 năm ngoái, giờ có xu hướng thấp hơn nữa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét