Lý do giá xăng dầu có thể tăng tiếp là do có tới một nửa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang bị “âm” quỹ bình ổn giá, tức không còn tiền để bù giá. Trong khi đó, với giá xăng lên tới trên 80 USD/thùng (tại thị trường Singapore, tính đến hôm 18.5) thì các doanh nghiệp xăng dầu lại đang kêu “bị thâm thủng và lỗ” với các cơ quan chức năng.
Quỹ âm vì bù giá lớn
Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn đang phải bù tới 1.437 đồng/lit xăng. Nếu không có sự bù giá này, giá xăng dầu đợt điều chỉnh hôm 5.5 đã phải tăng lên trên 3.000 đồng/lít thay vì 1.950 đồng/lít.
Tính đến hết quý I/2015, theo công bố của Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư gần 2.844 tỷ đồng. Đáng lưu ý, có tới 9/19 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có số dư quỹ âm. “Như vậy kỳ điều hành tới, sử dụng tiếp Quỹ bình ổn giá để giữ giá xăng dầu như hiện nay sẽ vô cùng khó khăn” - một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết.
Các đợt điều hành giá xăng dầu gần đây, liên Bộ Tài chính – Công thương liên tục cho phép doanh nghiệp sử dụng trích Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng để bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu. Trong số 19 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá lớn nhất, tiếp đến là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)...
Có tới 9 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang bị âm số dư quỹ. Đơn cử, Tổng công ty Kỹ thuật và đầu tư (Petec) âm tới 144,949 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu âm 19,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Long Hưng âm 10,28 tỷ đồng....
Áp lực tăng giá tiếp
Trong khi Quỹ bình ổn giá “âm” ở nhiều doanh nghiệp thì giá xăng dầu thế giới kể từ kỳ điều hành gần nhất lại liên tục biến động phức tạp và có xu hướng nhích tăng. Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam cho biết, giá dầu thô trong vòng hơn 10 ngày nay vẫn nhích tăng và xoay quanh trên 60 USD/thùng. Còn giá xăng dầu thành phẩm thì biến động ở mức cao hơn, trên 80 USD/thùng, khiến các doanh nghiệp đang lỗ khoảng từ 300-400 đồng/lít xăng.
Ví dụ phiên giao dịch ngày 12.5, giá xăng RON92 đã ở mức 80,25 USD/thùng; dầu hỏa 77,84 USD/thùng; dầu diesel mức 78,63 USD /thùng. Các mức giá này đều cao hơn giá bình quân của 15 ngày trước đó để tính giá cơ sở và điều chỉnh giá bán lẻ đã diễn ra hôm 5.5 vừa qua.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá cơ sở của xăng hiện cao hơn giá bán lẻ 1.800 đồng/lít. Mặt hàng xăng đang được cơ quan chức năng cho phép sử dụng từ quỹ bình ổn giá 1.427 đồng/lít nên tính ra, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn đang lỗ hơn 300 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định: Kỳ điều hành tới, nhiều khả năng giá xăng dầu lại tăng lên tiếp do giá xăng dầu thành phẩm thế giới phục hồi nhanh khiến giá trong nước phải tăng theo. “Doanh nghiệp xăng dầu đã kêu lỗ trong khi dư quỹ bình ổn giá còn không nhiều thì khả năng giá xăng tăng là có cơ sở. Nhiều khả năng liên Bộ sẽ tăng giá và hạ bớt việc trích quỹ bình ổn xuống để bảo toàn cho quỹ này” - ông Long dự báo.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thì cho rằng, giá xăng dầu vừa tăng tới gần 2.000 đồng/lít thì cơ quan quản lý nhà nước không nên tính chuyện tăng tiếp giá xăng dầu tới đây nữa. Theo ông Thắng, Quỹ bình ổn “âm” chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ, còn doanh nghiệp lớn vẫn dư quỹ. “Tổng tích lũy của quỹ này vẫn còn tới gần 3.000 tỷ đồng thì cơ quan quản lý vẫn có thể lấy từ doanh nghiệp lớn bù sang cho doanh nghiệp nhỏ và hoàn toàn có thể dùng Quỹ bình ổn giá để giữ giá xăng dầu kỳ điều hành tới. Chúng ta xả quỹ nhưng vẫn tiếp tục trích quỹ” - ông Thắng phân tích.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Theo quy định, khoảng ngày 20.5 sẽ là ngày cơ quan điều hành công bố giá cơ sở tiếp theo để từ đây quyết định giá bán lẻ của các mặt hàng. Nếu giá thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ sẽ phải điều chỉnh tăng trong bối cảnh quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dần cạn kiệt, không cho phép tăng mức trích quỹ bù đắp cho doanh nghiệp".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét