Nông dân Nguyễn Văn Nhựt (Củ Chi, TP.HCM) cho biết, để mở rộng diện tích vườn lan, ông có nhu cầu mua cây giống mới. Tuy nhiên, muốn sử dụng giống cấy mô trong nước phải đặt hàng trước nhiều tháng liền. Không chỉ vậy, nhiều chủ vườn lan ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh cho rằng, chất lượng cây giống hoa cấy mô trong nước hiện vẫn còn cách biệt so với giống ngoại. Theo một số chủ vườn lan, cây giống trong nước thường cho hoa nhỏ, ngắn hơn so với giống nhập khẩu.
Chăm sóc vườn lan giống sau cấy mô tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Thuận Hải
Trong khi đó, TS Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM khẳng định, chất lượng cây giống cấy mô trong nước chất lượng tương đương giống nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm yếu của giống cấy mô trong nước là quy mô sản xuất còn nhỏ, số lượng chưa lớn nên giá thành cao. “Nếu được đầu tư sản xuất với quy mô lớn, giá thành sẽ giảm nhiều, tăng được tính cạnh tranh cho giống lan cấy mô trong nước” - ông Xô nói.
Thực tế, bên cạnh thói quen sử dụng giống ngoại, nhiều nhà vườn trồng lan ở TP.HCM chưa chú trọng đến khâu cải tạo vườn, trồng giống mới. Do đó, nhiều vườn lan nhanh lão hóa, chất lượng kém, hoa ngắn... Hơn nữa, việc tự nhân giống để sử dụng trong vườn cũng khiến vườn lan giảm chất lượng.
Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, do tâm lý “sính ngoại”, hiện vẫn còn một phần lớn nông dân trồng lan ở TP.HCM nhập khẩu giống từ nước ngoài về sử dụng. Tuy nhiên, nguồn giống nhập khẩu này thường không được khai báo cụ thể. Theo Sở NNPTNT TP.HCM, toàn thành phố hiện có 24 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi cấy mô thực vật với tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 15,9 triệu cây giống nuôi cấy mô các loại. Trong khi đó, tổng năng lực sản xuất tối đa hằng năm có thể đạt khoảng 24,6 triệu cây giống cấy mô.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét