Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Hạ viện Mỹ ép Tổng thống Obama gửi vũ khí cho Ukraine

Nghị quyết trên được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo 348-48. Thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Eliot Engel tuyên bố, gửi vũ khí cho chính phủ Kiev không có nghĩa là Mỹ dấn thân vào một cuộc chiến mới.

"Người Ukraine không cầu cứu lính Mỹ. Họ chỉ cần vũ khí", ông Eliot Engel tuyên bố.

Ông Eliot Engel cũng nhấn mạnh, cuộc nội chiến ở Ukraine "là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và chúng ta không nên coi nhẹ, chúng ta không nên làm ngơ và không nên để các nước khác phải bảo cho chúng ta biết, ta nên làm gì".

 Hạ viện Mỹ ép Tổng thống Obama gửi vũ khí cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine tham chiến tại miền Đông nước này.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ được thông qua khi Nhà Trắng không có ý định đưa ra bất cứ động thái tiêu cực nào có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nỗ lực thuyết phục Tổng thống Obama hỗ trợ kế hoạch ngừng bắn ở miền Đông Ukraine trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2 mới đây.
 
Kể từ tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nhiều lần đề nghị Mỹ viện trợ vũ khí sát thương và phi sát thương cho quân đội nước này.

Cho đến nay, Tổng thống Obama mới chỉ chấp thuận ủng hộ vũ khí không gây sát thương cho Ukraine. Đồng thời, chính quyền Obama cũng thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev bằng cách liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng như chính quyền ly khai ở miền Đông Ukraine.

 Hạ viện Mỹ ép Tổng thống Obama gửi vũ khí cho Ukraine - 2

Khung cảnh tan hoang ở chiến trường Debaltseve, phía đông bắc Donetsk ngày 17.3

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vừa công bố hồi tháng 2, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine kể từ khi nổ ra hồi tháng 4 năm ngoái đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.800 người, trong đó rất nhiều là dân thường. 14.000 người khác bị thương.

Sân bay quốc tế Donetsk, từng đón năm triệu lượt khách mỗi năm vẫn là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc xung đột dù giờ đây nó chỉ còn trong đống đổ nát.

Lực lượng ly khai miền Đông và chính quyền Kiev đã cam kết sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn Minsk ký ngày 12.2 song vẫn thường xuyên tố nhau vi phạm thỏa thuận.

Nga cam kết ủng hộ kế hoạch hòa bình Minsk đồng thời mạnh mẽ phản đối Mỹ và Liên minh châu Âu cung cấp viện trợ gây sát thương cho chính quyền Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo, nếu Washington quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, tình hình ở miền Đông Ukraine sẽ "nổ tung" và Moscow sẽ buộc phải đáp trả thích đáng. 

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng kêu gọi Đức và Pháp yêu cần chính quyền Kiev tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hòa bình Minsk.

Theo ông Lavrov, Kiev đã không nỗ lực trong việc tổ chức đối thoại với các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine theo thỏa thuận ký ngày 12.2.

Trong khi đó, trong một động thái liên quan, cổng thông tin trực tuyến của Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine ngày 23.3 đăng tải nội dung văn bản công nhận các khu vực và điểm dân cư cụ thể ở  tỉnh Donetsk và Lugansk (được Kiev xem là các vùng lãnh thổ tạm bị chiếm đóng), được hưởng quy chế đặc biệt theo Luật "Về quyền tự quản địa phương đặc biệt".

Quyết định trên quy định, quy chế tự quản đặc biệt ở Donetsk và Lugansk có hiệu lực cho tới khi tất cả các nhóm vũ trang mà Kiev gọi là "nhóm vũ trang bất hợp pháp" và khí tài của họ, cũng như các chiến binh và lính đánh thuê rút khỏi lãnh thổ Ukraine đồng thời khôi phục quyền kiểm soát hoàn toàn của Ukraine đối với đường biên giới quốc gia.

Trước đó, ngày 17.3, Quốc hội Ukraine đã thông qua sắc lệnh về quy chế đặc biệt cho các khu vực đòi độc lập ở miền Đông nước này, nhưng nội dung cuối cùng của văn kiện này chưa được công bố trên trang mạng của Quốc hội.

Source : 24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét