Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Gặp người thầy giáo già ĐH Bách Khoa mặc áo bệnh nhân đứng lớp

Hôm qua, cộng đồng mạng truyền tay nhau hình ảnh một thầy giáo trường đại học Bách Khoa trong tấm áo bệnh nhân đứng dạy trên giảng đường. Xuất hiện cùng các lượt chia sẻ bức hình là vô vàn những lời khen ngợi, ngưỡng mộ hay bày tỏ cảm giác xúc động trước lòng yêu nghề, tận tâm vì học trò của người thầy giáo. Ngay lập tức, nhiều người đã tìm ra nhân vật chính của bức ảnh chính là thầy giáo Bùi Quí Lực, giảng viên bộ môn máy và ma sát trường đại học Bách Khoa – Hà Nội.




Những hình ảnh đang được cư dân mạng truyền tay nhau.

Tìm đến căn nhà thầy đang sinh sống, chúng tôi phải mất ít phút để thuyết phục người nhà của thầy Lực cho phép thực hiện cuộc phỏng vấn. Bởi lẽ hiện tại, sức khỏe của thầy tuy đã đỡ hơn nhưng vẫn khó khăn trong giao tiếp. Hơn nữa, 2 ngày vừa qua, có quá nhiều cuộc điện thoại của phóng viên, người thân, bạn bè, học sinh gọi cho thầy khiến việc nghe điện thoại và trả lời từng người một thôi cũng đủ làm thầy cảm thấy mệt.

Chỉ cần tiếp xúc qua cũng đủ biết tình hình sức khỏe của thầy Lực chưa thực sự bình phục. Khẩu hình và cách nói chuyện của thầy trong cuộc giao tiếp gặp khá nhiều khó khăn. Thầy cũng phải đi châm cứu và tiêm thuốc chữa bệnh theo đúng chỉ định của bác sỹ. Tuy vậy, thầy vẫn mời nước và đi vào cuộc trò chuyện một cách nhẹ nhàng, phong thái điềm đạm của một nhà giáo.

Thầy Lực tâm sự năm nay đã 64 tuổi và đã là giảng viên ở trường Bách Khoa ngót nghét 40 năm, hiện tại thầy đã về hưu nhưng vẫn thi thoảng nhận lời cộng tác khi trường có lời mời. Nói về hình ảnh lan truyền trên mạng những ngày qua, thầy bộc bạch tới giờ phút này vẫn không biết ai là người đã chụp, chỉ đoán là một sinh viên nào đó chụp lại thôi.

“Thật lòng tôi không muốn làm mọi thứ quá lên. Thứ nhất, tôi thấy hành động đó rất bình thường, bất cứ ai đứng ở cương vị người thầy có lẽ cũng sẽ hành động giống như tôi. Kỳ thi sắp đến trong khi các em thì còn nhiều thắc mắc, đó là lý do tôi cần có mặt trên lớp để giải đáp những thắc mắc của sinh viên. Thứ hai, lý do tôi không muốn nói quá nhiều cũng vì tôi đã hành động sai. Tôi trốn viện để có mặt tại giảng đường, điều này chắc chắn sẽ không làm bệnh viện hay nhà trường, học sinh của tôi cảm thấy hài lòng. Hơn nữa, trong buổi học đó, tôi đã mặc trang phục của bệnh nhân chứ không phải trang phục của giáo viên khi đi dạy, đó cũng là một lỗi sai!” – thầy Lực thẳng thắn chia sẻ.




Dù gặp khó khăn trong việc giao tiếp nhưng thầy Lực vẫn khiến không khí trở nên thoải mái bởi cách trò chuyện điềm đạm, chân thành.

Cụ thể hơn, môn của thầy Lực đảm nhiệm là một môn thực hành trên máy tính, có tính chất khá trìu tượng. Vì phải điều trị bệnh nên trước đó, thầy đã xin nghỉ dạy 2 – 3 buổi và nhà trường đã cắt cử giáo viên khác dạy thay. Tuy nhiên, hôm đó là buổi học cuối cùng trước khi các em sinh viên bước vào kỳ thi hết học phần, chính vì vậy để thật sự yên tâm, thầy buộc lòng phải có mặt trên lớp dù đang trong thời gian trị bệnh. Thầy Lực cũng nhấn mạnh rằng không phải mình không tin tưởng đồng nghiệp, nhưng do thầy là người đảm nhiệm dạy môn học này từ đầu kỳ, cộng thêm việc có những thắc mắc mang tính chất đặc thù môn học do sinh viên đặt ra, nên nếu không trực tiếp lên lớp, thầy sẽ không thể yên lòng để học trò của minh bước vào kỳ thi.

“Một lý do khác để tôi quyết định có mặt trên lớp hôm đó là do tôi cảm nhận được các em sinh viên của lớp này rất ngoan và chăm chỉ. Với những ai cần cù, tôi chỉ cần nói qua là có thể hoàn thành công việc rất tốt rồi. Phải công nhận thế hệ trẻ bây giờ có nhiều người giỏi thật đấy!” – thầy tâm sự thêm.

Vợ của thầy Lực – người cũng góp mặt trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi – bộc bạch thêm rằng: “Đáng ra hôm đó cô không để thầy đi đâu. Nhưng thấy thầy nhiệt huyết với học sinh quá. Chứ trước lúc đó cô và thầy đôi co mãi ở viện đấy chứ!”

Sau khi những hình ảnh mặc áo bệnh nhân trên giảng đường của thầy Lực lan truyền trên mạng, có rất nhiều người, trong đó có cả phóng viên, học sinh, người thân gọi điện để hỏi thăm sức khỏe thầy. Thầy Lực mắc căn bệnh tai biến do tuổi cao, hiện tại đã được chuyển về nhà điều trị. Hằng ngày, thầy phải tiêm thuốc bổ não và châm cứu vùng cơ xung quanh miệng theo chỉ định của bác sỹ.

Nói xa hơn về nghề giáo, thầy cho biết cái nghề đúng là cái “nghiệp” đã gắn bó, đi theo mình cả đời và không thể từ bỏ được. Sự thành công của từng lứa học sinh cũng chính là thành công mà thầy có được. Thầy Lực cảm thấy hạnh phúc khi mỗi năm, sinh viên của mình đều nhớ và dành thời gian tới thăm mình. Với tư cách một nhà giáo thì thành công lớn nhất mà thầy có được là khi học sinh tốt nghiệp ra trường, có công việc ổn định, sự nghiệp phát triển.

Nghe những lời chia sẻ vừa thẳng thắn, vừa sâu sắc mà cũng rất chân thành của thầy, dễ dàng cảm nhận được lòng nhiệt huyết, hết mình vì công việc, tận tâm với học trò mà thầy có. Thầy tự nhận mình sai khi trốn viện không xin phép bác sỹ, tự thấy xấu hổ khi lên giảng đường mà không mặc đúng trang phục của một nhà giáo… Có thể đúng vậy! Nhưng, cái “sai” đó của thầy đã mang lại sự vững tin cho bao sinh viên trên lớp, khi các bạn có thể tự tin nhất bước vào kỳ thi học kỳ dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo bộ môn. Điều ấy có đáng kể?

Hay xa hơn, hình ảnh người thầy tuổi cao, tóc bạc, bệnh nặng nhưng khi đã lên giảng đường, cầm phấn trắng và đứng trước sinh viên thì mọi lo toan, thậm chí là sức khỏe của chính bản thân đều không thành vấn đề nữa mà tất cả chỉ là sự truyền đạt tận tâm, những kiến thức, bài học bổ ích.

Có lẽ, hành động rất bình thường ấy trong mắt thầy Bùi Quí Lực lại trở lên rất cao đẹp và lớn lao trong mắt của các sinh viên, lớp trẻ và toàn xã hội hiện nay.

Ảnh: Doãn Tuấn

Source : kenh14[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét