Hầu hết doanh nghiệp (DN) các ngành hàng xuất khẩu đã bắt đầu hoạt động từ mùng 6 tết (ngày 24-2) để đáp ứng tiến độ giao hàng các hợp đồng ký kết từ đầu năm nay. Song cũng có nhiều ngành hàng xuất khẩu vẫn chưa có đơn hàng mới, đang chờ đợi những tín hiệu khởi sắc từ thị trường.
Đơn hàng đã đợi sẵn
Đầu năm mới, thị trường tiêu thụ rất tốt. Đó là chia sẻ của ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, sau hai ngày mới bắt tay sản xuất cho những đơn hàng đã ký hợp đồng với thị trường Nhật. “DN đã có những đơn hàng đặt trước 1-2 tháng nên giờ quan trọng nhất là phải vận hành đều để tăng công suất, nâng cao chất lượng. Hiện các sản phẩm tôm chế biến đang rất hút hàng sang các thị trường tiêu thụ cao cấp” - ông Long hồ hởi.
Ngành dệt may cũng “thảnh thơi” không kém. Nhiều DN dệt may cho biết họ đã ký các hợp đồng đến tháng 6, thậm chí đến tháng 8-2015. Các DN ngành này đều xếp lịch làm việc trễ hơn các ngành khác vì đang đợi công nhân về quê ăn tết trở lại làm việc.
Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Gia Định, cho biết đến nay phần lớn DN thành viên đã ký được các hợp đồng xuất khẩu đến tận cuối tháng 6-2015. Ngoài ra, một số DN còn có đơn hàng hết cả năm 2015, chủ yếu xuất khẩu hàng sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Để đón cơ hội từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký kết vào giữa năm 2015, DN đã và đang liên doanh hợp tác với các đối tác nước ngoài tăng công suất nhà máy sợi để nâng tỉ lệ nội địa hóa, đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu theo đúng quy định xuất khẩu của TPP.
Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu, hiện thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ hàng với số lượng lớn, các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ nhập hàng không nhiều. Nhưng dự kiến trong các tháng 3, 4, 5 tới đây thanh long sẽ vẫn bán được. Sản lượng xuất khẩu đầu năm nay vẫn giữ mức tăng 30%-35% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại một DN ở TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Ngược lại, ngành gạo lại đang “ngồi im” vì đa số DN xuất khẩu đều chưa ký được hợp đồng nào mới. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết: “DN có ký được hợp đồng gần 20.000 tấn với phía Trung Quốc nhưng vẫn chưa thể giao hàng vì phía họ vẫn chưa được chính phủ cấp quota nhập khẩu gạo. Điều đáng lo là nước ta lại đang thu hoạch rộ vụ đông xuân. Với tình hình này phải chờ đến tháng 4-2015, khi Trung Quốc cấp quota cho DN nhập khẩu gạo nước này thì gạo Việt mới có thể tiêu thụ”.
Ông Đôn cho biết giờ chỉ có hai tia hy vọng thị trường xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc. Đó là chính sách mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo cho đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ ngày 1-3 đến 15-4. Thứ hai là gói thầu 500.000 tấn gạo của thị trường Philippines sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Ngoài ra, DN cũng đang chờ phân bổ xuất khẩu hợp đồng gần 200.000 tấn gạo đã ký với Malaysia. Nếu thuận lợi thì tình hình xuất khẩu của các DN bớt khó khăn hơn.
Cần chiến lược kinh doanh dài hơi
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác tốt thị trường xuất khẩu ổn định, ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết DN phải đầu tư thiết bị, máy móc để tăng năng suất lao động. Không phải đầu tư là dồn tiền vào đầu tư mua máy móc hiện đại mà phải hiểu DN mình cần máy móc gì phù hợp. Như Agrex, DN tự nghĩ ra máy móc cần thiết rồi đặt hàng nước ngoài sản xuất theo ý mình. Yếu tố nữa vẫn là thương hiệu gắn với chất lượng, cần đa dạng hóa sản phẩm để thị trường không “chán” sản phẩm của mình, đồng thời khai thác được nhiều đối tượng tiêu dùng mới, thị trường mới.
Ông Long cho rằng kinh tế Việt Nam đang hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì DN phải có những chiến lược dài hơi. Chẳng hạn DN đầu tư máy móc phải rất cẩn trọng, làm sao có thể cải tiến để sử dụng nhiều năm. Quản trị DN phải có kế hoạch đến năm 2020 thậm chí đến năm 2025.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, điều DN cần phải làm gấp là tìm hiểu sâu hơn về pháp luật và các cam kết hội nhập, sự thay đổi của các chính sách trong nước để thích nghi. Đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng thay vì chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá. Và quan trọng nữa là tăng cường kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chăm sóc thị trường nội địa
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết trước đây tại thị trường nội địa, DN chú trọng vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao từ 20 triệu đồng/tháng/người, tập trung đưa vào các hệ thống siêu thị lớn. Nhưng năm 2014 và dự báo năm 2015, kinh tế vẫn chưa phục hồi mạnh, sức tiêu dùng cũng giảm. Vì thế DN thay đổi sản phẩm phục vụ người có thu nhập trung bình, chuyển sang cung ứng cho cả những hệ thống siêu thị mini.
Dù thị trường xuất khẩu đang rất thuận lợi nhưng theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), DN ngành này cũng đang có chiến lược chăm sóc thị trường trong nước và đã bước đầu giành lại thị phần. Nhiều DN đầu tư nhà xưởng, thiết kế mẫu mã đa dạng, tiện lợi để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Thị trường xuất khẩu thủy sản đầu năm đang gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế các thị trường xuất khẩu của thủy sản nước ta đang gặp khó. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có tâm lý lo ngại và chờ đợi vào kết quả các vụ kiện chống bán phá giá tôm, cá tra vào thị trường Mỹ nên phải đến giữa tháng 3-2015 mới có thể biết khuynh hướng xuất khẩu.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét