Từ chợ đồ cũ giá rẻ
Cuối tuần, tàu điện ngầm line (đường) U8 của TP.Berlin có vẻ đông hơn ngày thường vì đường tàu này dẫn tới 2 chợ đồ cũ khá nổi tiếng là Wittenau và Bernauer.
Bước ra khỏi ga Witternau, trước mắt tôi là một khu đất rộng dễ đến hàng ngàn mét vuông, san sát các gian hàng. Chợ này thường là nơi tập trung các gia đình có đồ cũ muốn bán, thanh lý cho khỏi chật nhà. Có rất nhiều gia đình có trẻ em, khi trẻ lớn lên thì mang bán “trọn bộ” những gì trẻ dùng từ bé như xe đẩy, xe tập đi, quần áo, tất, thậm chí cả quần để đóng bỉm với giá rất rẻ (nếu mua nhiều), còn mua chọn thì khoảng 50 xu tới 1euro/cái (14.000-28.000 đồng/cái). Mô hình này hiện đã xuất hiện ở Hà Nội và TP.HCM cùng với tên gọi Flea Market của các mẹ thanh lý những đồ gia đình không dùng nữa.
Chị Vesna Haluza, một bà mẹ có 2 con nhỏ ở tít tận Hermannstr (nằm trên cùng line U8 với Wittenau nhưng ở phía bên kia thành phố) cho biết, giá thuê 1 gian hàng là 24 euro/ngày. Nếu thanh lý quần áo của 2 nhóc nhà chị 3 năm qua thì cũng thu về được vài trăm euro. Ngoài ra, có khá nhiều phụ nữ lớn tuổi cùng nhau thuê một gian hàng để bán các đồ không dùng nữa, trong số này có các loại túi hàng hiệu vẫn còn rất mới, được bán với giá chỉ khoảng 15-20 euro. Vì sự tiện lợi, tiết kiệm ấy mà khu chợ này lúc nào cũng đông nghìn nghịt người. Hôm tôi đến, trời đổ mưa rào, một vài gia đình đang phải… phơi lại các món quần áo đã bị ướt sũng nhưng người mua vẫn mua và người bán vẫn bán.
Tuy nhiên, chợ cũng có nhiều người buôn bán chuyên nghiệp, chuyên “hớt” các hàng tốt của các gia đình rồi mua đi bán lại kiếm lời. Chẳng hạn một cái túi xách da tốt, các gia đình bán khoảng 7-10 euro thì qua tay “thợ”, chiếc túi ấy sẽ có giá 15-20 euro. Một số chợ còn có các phụ nữ digan bán đồ gần như lừa đảo. Mẹt hàng của chị ta bày đủ thứ, trong có có các loại túi mới, giày mới và được giới thiệu lấp lửng, hàng mới tinh nhập từ Ý về nhưng không dùng, bán khoảng 10 euro/túi xách, hoặc giày… Ai tưởng thật tham rẻ mua thì y như rằng chỉ đi ra một số chợ chuyên bán hàng Trung Quốc sẽ thấy các túi xách đó chỉ có giá 4-7euro.
... tới chợ đồ cổ hút mắt.
Chợ Bernauer được dựng trên một khu đất trống gần công viên. Từ ga Bernauer đi lên, tôi phải vòng vèo qua mấy con phố mới thấy. Chợ được chia làm 2 làn với vài chục gian hàng nhưng không dựng kiểu “chuyên nghiệp” như chợ Wittenau mà dựng kiểu dã chiến. Chợ bán trên trời dưới bể, từ quần áo, giày dép tới các đồ dùng trong gia đình như tay nắm cửa, các dụng cụ gia đình, đồ sứ, rồi thì đàn sáo, bàn ghế, các bộ đồ bạc gia truyền. Thậm chí có cả các cựu chiến binh đi bán các bộ quân phục, các huân huy chương, các giá treo huy chương… Trong các món hàng này, có những món cũ tưởng như vứt đi, nhưng cũng có những món đồ cổ ai nhìn cũng ao ước.
Điểm nhấn hút mắt nhất là đồ sứ, đồ gốm và các loại đồ gia dụng bịt bạc. Đồ gốm ở đây có xuất xứ khá đa dạng nhưng phần nhiều vẫn là từ vùng Bavaria nổi tiếng của Đức cũng như các đồ gốm sứ có xuất xứ từ châu Âu (gốm sứ của Hà Lan, Anh... cũng được bày bán khá nhiều). Mỗi món đồ có một giá trị riêng. Và phải công nhận người Đức giữ đồ rất cần thận, đồ gia dụng mang ra chợ mà vẫn cứ sáng long lanh như mới, còn các loại khăn trải bàn, thảm… vẫn còn nguyên chất liệu, kiểu dáng, chưa bung chỉ, sờn màu. Tuy nhiên, cũng không ít mặt hàng đã gần như đồng nát (nhất là đồ da) vẫn được bày bán ê hề. Một người bán ở đây cho biết, các món đồ ở đây người nào thích có thể trả hàng trăm euro để mua, nhưng với người khác lại không ý nghĩa gì. Vì thế, hàng hoá ở đây đúng nghĩa “mua của người chán, bán cho người thèm”.
Một chợ đồ cổ khác khá nổi tiếng ở Berlin, gần ngay công viên trung tâm Tiergarten. Ở đây dân nghiền máy ảnh cổ có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc Agfa Synchro Box "Made in Germany” chính hiệu được sản xuất trong những năm 1950 vẫn còn bao da hoặc chiếc Exakta ra đời trước Thế Chiến II vẫn còn mới. Tuy nhiên, giá thì khá “chát” khi mà chủ hàng hét giá lên tới 12.000 euro.
Ở những chợ này, các mặt hàng đồ sứ, đồ gia dụng và đồ trang trí là bán chạy nhất. Nhiều du học sinh ở Việt Nam sang Berlin cũng hay “tha lôi” các loại đồ này về dung. Anh Vương Văn Khoa (Bắc Ninh) học viên về quản lý y tế, trong thời gian ở đây cứ có thời gian rảnh là ra chợ đồ cổ “ngắm nghía” và hầu như lần nào cũng lôi về một món đồ, trong đó chủ yếu là đồ sứ, đồ bạc. Ngày về nước, điều anh lo nhất là mớ đồ đó bị quá cân hành lý và phải bỏ lại ở sân bay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét