Kỳ công chơi thủy tiên
Ông Nguyễn Hữu Ân bên những chậu hoa thủy tiên mới gọt.
Theo những người chơi hoa, thủy tiên đặc biệt hơn các loài hoa khác vì có thể chơi được cả 5 thứ: Hoa, lá, củ, rễ và mùi hương. Ông Nguyễn Hữu Ân (sinh năm 1937, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) – một trong những người được coi là “cao thủ” về gọt hoa thủy tiên cho biết, thú chơi hoa thủy tiên đã có ở Hà Nội từ rất lâu, nhưng trước kia chỉ có nhà giàu, khá giả mới chơi hoa thủy tiên. Do củ hoa phải nhập về từ Trung Quốc, lượng củ giống không nhiều nên thủy tiên trở thành của hiếm, nhà nào có tiền cũng chỉ dám mua 3 – 5 củ về gọt chơi. Nhưng hiện nay, người chơi có thể tìm mua củ hoa rất dễ dàng trên các cửa hàng hoa ở chợ Bưởi, chợ Quảng Bá hay trên Facebook, các diễn đàn mạng…
Theo quan niệm dân gian, hoa thủy tiên mang đến nguồn sinh khí an lành và tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài ra, loài hoa này còn có thể chữa một số bệnh như kiết lỵ, quai bị, trẻ em bị co giật, mụn nhọt, côn trùng đốt… Chính vì thế mà nhiều người luôn tìm mua bằng được một bình thủy tiên đẹp mắt để bày lên bàn thờ gia tiên ngày tết. Và nếu thủy tiên nở đúng thời khắc giao thừa thì năm đó, gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, bình an.
Khi hỏi về tiêu chí đánh giá một chậu thủy tiên đẹp, ông Ân cho biết, các cụ ngày xưa thường “chấm” theo các tiêu chí sau: Hoa phải mọc đủ 5 nhánh (gọi là 5 giò), đối diện với người xem, hoa phải hơi nghiêng nghiêng e lệ như thiếu nữ, chứ không cúi gằm xuống đất, hay ngửa hẳn lên trời; lá và hoa mọc cân đối; hoa khai cập thời; hoa tề hàm tiếu (các đóa hoa hé nở cùng lúc). “Riêng các nhành hoa phải đạt tối thiểu thế thiên – địa – nhân, tức có 3 tầng hoa. Ngoài ra, khi đặt trong cốc thủy tinh, bộ rễ phải trắng muốt, mập mạp tựa thác nước. Một chậu hoa như vậy sẽ được gọi là “ngũ quý”, ngoài thị trường giá bán có thể lên tới tiền triệu, nhưng với chủ nhân của nó thì là vô giá” – ông Ân khẳng định.
Ông Ân cho biết, vào dịp áp tết, loài hoa này được bày bán rất nhiều. Mọi năm, giá củ hoa chỉ khoảng 35.000 đồng/củ, nhưng năm nay ông phải mua 60.000 đồng/củ, thậm chí củ to đẹp giá lên tới 100.000 – 110.000 đồng nên ông chỉ gọt 60 – 70 củ để chơi và bán một ít cho khách “ruột”.
Thu lãi khủng
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội), nhiều đại lý đã chuẩn bị hàng nghìn chậu hoa thủy tiên để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thị Hà- chủ một cửa hàng hoa ở đây cho biết: “Ngày xưa chỉ có các cụ mới chơi hoa thủy tiên, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, giới trẻ Hà Nội cũng bắt đầu ưa chuộng loài hoa này nên năm nào tôi cũng nhập từ Trung Quốc 2.000 – 3.000 củ giống, giá nhập khoảng 25.000 – 30.000 đồng/củ. Một phần củ giống tôi bán rải rác cho người chơi từ trước tết 2 tháng, còn lại tôi thuê thợ về gọt để bán tết”.
Từ đầu vụ đến nay, tôi đã bán khoảng 1.000 củ giống và hiện đang thuê 5-6 người gọt để sản xuất 3.000 chậu hoa thành phẩm. Mỗi vụ hoa thủy tiên chỉ kéo dài hơn 1 tháng, cho thu nhập khá, nhưng vì nghề này mất rất nhiều công sức nên phải thật sự tâm huyết, yêu hoa mới trụ được . Anh Nguyễn Đắc Quyết |
Sinh năm 1992, nhưng đến nay chàng trai trẻ Nguyễn Đắc Quyết ở Kim Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có 4-5 năm trong nghề buôn hoa thủy tiên và đang sở hữu một “cửa hàng” hoa trên facebook. Quyết cho biết, phong trào chơi hoa thủy tiên đang phát triển rất mạnh trong giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Hiện “Shop hoa thủy tiên” của Quyết trên facebook đã thu hút hơn 16.000 người theo dõi, kết bạn. Phần lớn củ hoa giống và hoa thành phẩm được Quyết tiêu thụ qua kênh này, ngoài ra Quyết còn cung cấp cho người chơi cả chậu thủy tinh, dụng cụ gọt và tận tình hướng dẫn người chơi cách gọt. Các chủ đề Quyết viết về hoa thủy tiên trên trang chủ của mình luôn thu hút rất nhiều người xem và bình luận.
Quyết vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhưng vì yêu sự tinh khiết của loài hoa thủy tiên nên từ ngày đi học, Quyết đã tự mày mò cách gọt rồi buôn bán thêm trên mạng Google, Facebook. Ban đầu Quyết chỉ nhập vài trăm củ giống/vụ, nhưng đến nay mỗi vụ hoa tết, Quyết bán tới 3.000 chậu, giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/chậu, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay, ngoài hoa thủy tiên, Quyết còn cung cấp cho thị trường nhiều loài hoa khác như tulip, tiên ông, dâu tây, củ cải đỏ... và hợp tác bán buôn với nhiều đại lý trên toàn quốc, ước tính doanh thu lên tới vài tỷ đồng.
“Mới đây, tôi đã phối hợp với ông Nguyễn Hữu Ân, ông Nguyễn Phú Cường – đều là các “cao thủ” gọt hoa thủy tiên ở Hà Nội để mở lớp dạy gọt hoa miễn phí, thu hút hơn 60 người tham gia. Hy vọng những lớp học này sẽ góp phần khôi phục lại phong trào chơi loài hoa cầu kỳ mà mấy chục năm trước bị lãng quên” – Quyết cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Ân, không phải ai cũng gọt được củ hoa thủy tiên nở đúng giao thừa. Thường thì để có hoa chơi mấy ngày tết, ông phải chuẩn bị từ trước đó hơn 1 tháng. Trước hết phải chọn mua những củ hoa to, mập, chắc, đem về bóc hết đất ở đáy củ và các bẹ lá khô rồi ngâm nước 1-2 ngày cho vỏ hút nước căng mọng để dễ gọt. Thủy tiên thuộc họ hành, vỏ mềm, vì vậy khi gọt phải dùng dao sắc nhỏ, khẽ khàng bóc lần lượt từng lớp vỏ để tránh đụng vào mầm hoa hay lá nằm giữa các lớp vỏ. Trước khi bóc, người chơi cũng phải biết đâu là mặt trước, mặt sau của củ hoa để còn tạo dáng, thế. Ông Ân khẳng định, khắp Hà Nội bây giờ người chơi hoa thủy tiên đạt đến trình độ nghệ thuật chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Chỉ cần nhìn cách cầm củ, cầm dao gọt cũng có thể biết trình độ của người chơi như thế nào. Nhiều người chỉ biết gọt làm hàng chợ chứ không phải là gọt nghệ thuật. Với người chơi thực thụ, việc gọt 1 củ thủy tiên to hơn củ hành tây một chút cũng mất hàng giờ đồng hồ” – ông Ân nói.
Trong con mắt của ông Ân, khâu gọt củ thủy tiên là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến vẻ đẹp của chậu hoa về sau. Vì vậy nó đòi hỏi người gọt phải thật tập trung, tâm phải thật tĩnh. Sau khi gọt xong, củ hoa được đặt trong chậu nước sạch và phải thay nước hàng ngày. Khoảng 20 – 25 ngày chăm bẵm, thủy tiên sẽ nở và tỏa hương thơm ngát khắp nhà. “Để hoa nở đúng thời điểm phải có đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Các cụ ngày xưa thường hãm hoa bằng cách phết lòng trắng trứng gà quanh nụ, còn với tôi, lúc nào trong phòng cũng phải có máy đo nhiệt độ, độ ẩm để điều chỉnh kịp thời” – ông Ân nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét