Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Chính trị - an ninh thế giới: 2014 dông bão, 2015 có lặng hơn?

Năm 2014 - nhiều sự kiện “động trời”

Năm 2014 đã đi qua để lại sau lưng nó bức tranh chính trị - an ninh thế giới với gam màu xám tối. “Thời tiết” chính trị - an ninh ở cấp độ toàn cầu là kết quả của sự thăng giáng, biến thiên của hai cặp quan hệ quốc tế quan trọng bậc nhất trên thế giới: 1. Mỹ - Nga ở châu Âu - Đại Tây Dương và 2. Trung - Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ở châu Âu – Đại Tây Dương, hỗn loạn chính trị - xã hội và xung đột đẫm máu giữa các phe phái, các lực lượng chính trị đối lập nhau ở Ukraine đã đẩy quan hệ Mỹ - Nga đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới và phủ bóng đen bất an lên toàn bộ châu Âu.

 Chính trị - an ninh thế giới: 2014 dông bão, 2015 có lặng hơn? - 1

Dự đoán, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ sẽ không mạo hiểm ở Ukraine.  (Ảnh: Reuters)

Khi nghiên cứu cuộc khủng hoảng Ukraine, cần quan tâm đến 3 sự kiện đặc biệt quan trọng: Một là, thỏa thuận giữa Tổng thống V.Yanukovich với đại diện của các đảng phái, tổ chức chính trị đối lập ngày 21.2.2014 để đưa Ukraine thoát ra khỏi khủng hoảng. Hai là, cuộc đảo chính vi hiến do Mỹ và phương Tây tổ chức ngày 22.2.2014 lật đổ Tổng thống V.Yanukovich. Ba là việc Nga sáp nhập Crưm vào Nga ngày 21.3.2014.

Ba sự kiện trên có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cho dù lịch sử không có thể giả định, nhưng vẫn cần phải và có thể đưa ra các giả thiết:

Nếu thỏa thuận 21.2.2014 được thực hiện đầy đủ thì chắc chắn Ukraine đã ra khỏi khủng hoảng, và sẽ không có phong trào đòi ly khai ở 2 tỉnh miền Đông (Donest và Lugan).

Nếu Mỹ và phương Tây không tổ chức cuộc đảo chính ngày 22.2.2014 và không dựng nên chính quyền lâm thời do các phần tử phát xít mới thống trị ở Ukraine, thì sẽ không có cuộc xung đột ở 2 tỉnh miền Đông và có lẽ Nga sẽ không sáp nhập Crưm (tháng 3.2014).

Mỹ và phương Tây siết chặt bao vây, cấm vận, trừng phạt Nga, đẩy nền kinh tế Nga rơi vào bờ vực suy thoái thông qua việc chủ động đánh tụt giá dầu mỏ. Mỹ và phương Tây hy vọng nền kinh tế Nga suy sụp thì chính quyền Putin sẽ sụp đổ và người thay ông Putin sẽ là một nhân vật ôn hòa, dễ bảo, quy phục trước sức ép và các đòn trừng phạt của Mỹ.

Năm 2014, tại châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ - Trung cũng phát triển xấu hơn 2013. Thật ra, quan hệ Trung – Mỹ xấu đi từ cuối năm 2013 khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông 23.4.2013. Hành động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản và Hàn Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế.

Ngày 2.5.204 (đến 15.7.2014), Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng hàng trăm tàu hải giám, ngư chính, tàu tuần tra, tàu chiến công suất lớn đâm vào tàu kiểm ngư, tàu cá của Việt Nam. Đã thế, Bắc Kinh còn gửi văn bản lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vu cáo tàu Việt Nam đã có 1.547 lần đâm vào tàu Trung Quốc!

Không thể nói khác được, trong trường hợp này, Trung Quốc “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

Trước những hành động hung hăng, gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế của lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống B.Obama và các cộng sự ở Nhà Trắng thấy rằng: Ông Tập Cận Bình đã nuốt lời cam kết, hứa hẹn với ông Obama tại cuộc gặp không chính thức ngày 7.6.2013 tại California (Mỹ), và họ không còn tin vào một lời hứa của lãnh đạo Trung Quốc.

Xâu chuỗi những sự kiện đã diễn ra trong quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2014, có thể rút ra nhận xét: Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Trung – Mỹ lạnh nhạt, căng thẳng hơn 2013.

Tóm lại, có thể nói: 2014 là một năm dông bão dồn dập từ Tây sang Đông, “con thuyền chính trị - an ninh thế giới” tuy chưa bị lật chìm nhưng cũng đã chao đảo nghiêng ngả.

Dự đoán thế giới năm 2015

Thế giới chúng ta sống luôn ở trong trạng thái bất ổn, bất an và mang trong mình nó nhiều tai ương bất thường. Do đó, dự báo là công việc khó như đi trên dây thép. Không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra, chỉ đưa ra các khả năng có thể. Từ những sự kiện đã xảy ra trong năm 2014 (nói trên), mạnh dạn đưa ra một vài nét chấm phá về bức tranh chính trị - an ninh 2015 như sau.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ Mỹ - Nga: Đây là khu vực rất khó đoán định vì các mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị trong nội bộ Ukraine cộng hưởng với các mâu thuẫn Đông – Tây tại nút thắt địa chính trị, địa chiến lược ở châu Âu – Đại Tây Dương.

Để dự báo cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ Mỹ - Nga trong năm 2015, nhất định phải đánh giá xem năm 2014 quan hệ Mỹ - Nga xuống đến đáy chưa, mức thấp nhất chưa?

Đây là vấn đề khó nhất, là chìa khóa để mở cánh cửa nhìn về 2015.

Tôi cho rằng, quan hệ Mỹ - Nga năm 2014 chưa chạm đáy. Nghĩa là, 2015 còn có thể tiếp tục xuống thấp hơn, nhưng không thể đối đầu và sớm muộn, Mỹ và Nga buộc phải xuống thang từ từ để giữ thể diện.

Có 4 thực thể trực tiếp, gián tiếp quan hệ đến cuộc khủng hoảng Ukraine: 1. Chính quyền Kiev; 2. Liên minh châu Âu (EU); 3. Mỹ và 4. Nga.

Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát thành chiến tranh lớn lôi kéo Kiev, EU, Nga và Mỹ vào cuộc chiến thì sẽ không có ai thắng mà cả 4 đều thất bại; kẻ chiến thắng và thu được lợi ích to lớn chưa từng có từ cuộc chiến này là Trung Quốc.

Có lẽ, ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremli cũng tiên đoán được thảm họa đối với cả Nga và Mỹ nếu mù quáng lao vào cuộc chiến ở Ukraine.

Dù có nóng đầu bao nhiêu thì ông chủ Nhà Trắng cũng không được quên các thông tin sau: Nga có 700 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, chỉ cần 50 tên lửa đã có thể hủy diệt toàn bộ nước Mỹ. Nghĩa là Nga có khả năng 14 lần hủy diệt nước Mỹ. Các tên lửa đạn đạo của Nga có khả năng chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (đó là tên lửa đạn đạo RS-12M, tên lửa đạn đạo RSM-54 “Sineva”, tên lửa đạn đạo Bulava). Nga sẽ thử nghiệm (2015) hệ thống lá chắn tên lửa S-500, có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào có tốc độ bay 7 km/s ở độ cao đến 250 km.

Do đó, dù lớn mạnh hơn Nga, nhưng Mỹ còn phải phân tán lực lượng đối phó với nhiều thách thức to lớn tại châu Á – Thái Bình Dương (đối phó với thách thức từ Trung Quốc), Trung Đông, Nam Á (cuộc chiến chống IS, làm thế nào để Talibal không trở lại nắm quyền ở Cabul, chương trình hạt nhân của Iran, cuộc xung đột ở Xyri…). Trong điều kiện đó, Mỹ không thể đối đầu với Nga. Mỹ và Nga là đối thủ của nhau, họ thù ghét nhau, nhưng họ cần nhau và họ phải hợp tác với nhau trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới và các điểm nóng khu vực.

Nếu những lập luận trên là tin cậy, có thể dự báo: Trong năm 2015, quan hệ Mỹ - Nga còn căng thẳng, nhưng không đối đầu. Tại Ukraine ít có khả năng bùng phát chiến tranh lớn, các bên liên quan sẽ xuống thang từ từ dần đi đến một thỏa thuận chính trị cho cuộc xung đột này. Nghĩa là, bức tranh chính trị - an ninh ở phía châu Âu – Đại Tây Dương năm 2015 vẫn chủ đạo với gam màu xám, nhưng ít đen tốt hơn 2014; thời tiết chính trị châu Âu 2015 ít dông bão hơn 2014.

Quan hệ Trung – Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương

Khi đối diện với nhau, ông Tập Cận Bình và ông B.Obama thường cẩn thận đưa ra những ngôn từ đẹp đẽ như xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng hay quan hệ nước lớn kiểu mới) Thực chất đó chỉ là những lời sáo rỗng. Ngồi với nhau họ nói vậy, tại Trung Nam Hải và Nhà Trắng họ bàn mưu tính kế đối phó với nhau như đối phó với kẻ thù.

Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngược lại, Mỹ cho rằng Trung Quốc luôn hành động bất chấp luật pháp quốc tế, hung hăng, hiếu chiến, Trung Quốc là mối thách thức lớn nhất của Mỹ trong thể kỷ XXI.

Trung Quốc và Mỹ, họ hoàn toàn không tin nhau nhưng họ lại rất cần nhau. Theo thời gian, mặt cạnh tranh, đối phó với nhau ngày càng lớn, thậm chí là lấn áp mặt hợp tác. Đó là xu hướng chung từ nay đến 2020 và có thể 2022 (kết thúc thời kỳ Tập Cận Bình nắm quyền ở Trung Quốc).

Nói cách khác, từ nay đến 2020, Trung – Mỹ không đối đầu. Năm 2014, quan hệ Trung – Mỹ khá lạnh nhạt, căng thẳng. Trung Quốc tạo ra căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ và chính Bắc Kinh nhận hậu quả lớn chứ không phải Washington. Hơn nữa, nếu Trung Quốc đối đầu với Mỹ lúc này là tự sát. Do đó, 2015, Bắc Kinh sẽ không dại dột làm căng với Mỹ, và quan hệ Trung - Mỹ sẽ bớt căng thẳng, không có va chạm, cọ xát lớn như 2014.

Đối với Việt Nam thì sao?

Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lượng “không đánh mà thắng” – không cần gây xung đột vũ trang lớn mà vẫn độc chiếm được Biển Đông thông qua việc cải tạo Gạc Ma và Chữ Thập thành 2 căn cứ quân sự ở Trường Sa, từ đó họ khống chế trên biển và trên vùng trời Trường Sa. Không được mơ hồ với Trung Quốc. Họ không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông và kìm hãm sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta có pháp lý, có đạo lý và được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông, Việt Nam phải mạnh và phải thông minh kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Một khi 90 triệu người trên dưới đồng lòng quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ tạo ra sức mạnh to lớn có khả năng răn đe các thế lực ngoại bang hiếu chiến.

Tóm lại, trên cấp độ toàn cầu, tình hình chính trị - an ninh thế giới còn khá bất ổn, bất an nhưng không nặng nề, căng thẳng như 2014. Năm 2015 sẽ là một năm mà Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố đẫm máu chưa từng có kể từ sau vụ 11.9.2001 ở Mỹ. Vụ Charlie Heldo mở đầu một năm mới đen tối đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới.

 Năm 2014, Mỹ đã có những phản ứng khá đanh thép đáp trả hành động hung hăng của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 4.2014, tại Tokyo, Tổng thống B.Obama đã công khai tuyên bố: Chiếu theo Điều 51 của Hiệp ước An ninh song phương Mỹ - Nhật ký 1960, Mỹ sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản bao gồm cả Senkaku.

Ngày 11.7.2014, Thượng viện Mỹ ra Nghị quyết số 412 yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD 981 và mọi tàu thuyền ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và trả lại nguyên trạng như trước ngày 1.5.2014.

Ngày 3.2.2014, Hạ viện Mỹ với 100% đồng ý của nghị sĩ ra Nghị quyết số 714 về Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với vùng biển trong đường chữ U 10 đoạn đứt khúc. 
Source : hn[dot]24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét