Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Có cấm được việc đổi tiền lẻ tràn lan?

Khắp nơi đổi tiền lẻ

Những ngày cuối năm, đền Mẫu (phường Quang Trung, TP Hưng Yên) tấp nập người đến trả lễ Mẫu. Không chỉ dân trong vùng hoặc lân cận; khá đông xe từ Hà Nội, và các tỉnh xa cũng chạy về. Ông Nguyễn Trọng Ngà, Phó ban Quản lý Di tích đền Mẫu, cho biết mấy năm trước đây tiền 500 đồng-1.000 đồng bày bừa khắp nơi.

 Có cấm được việc đổi tiền lẻ tràn lan? - 1

Tiền lẻ được bày trong tủ kính trước cổng vào phủ Tây Hồ, Hà Nội ngày 28/1. Ảnh: Như Ý.

Từ các ban thờ tới cành hoa, cây đa... “Để hạn chế được việc người dân đặt tiền lẻ tràn lan, chúng tôi đã kêu gọi trên hệ thống loa phát thanh khi vào lễ, quy định là ai có tâm đặt vào đĩa. Khi khách đi rồi, chúng tôi cho người thu luôn vào hòm công đức”, ông Ngà nói.

“Nhiều người quan niệm phải đặt tiền vào tận ban thờ mới yên tâm, các ngài mới chứng cho. Thậm chí, có những thanh niên còn gấp đồng tiền thành những phi tiêu, đứng từ bên ngoài phi vèo một cái vào tận phía trong. Có những người cao 1,85m gài tít lên cao, tôi không thể với lên lấy được”. 

Ông Trương Tiến Hồi

Cũng theo ông Ngà, dù đã hạn chế phát hành tiền mới 2 năm nay, nhưng tờ 500 đồng vẫn rất nhiều; mỗi lần thu về hàng rổ và nhét vào hòm rất lâu. “Có lần đổ ra, 2/3 lượng tiền thu được là tiền 500 đồng và 1.000 đồng. Năm nay kinh tế khó khăn, sẽ còn nhiều tiền lẻ hơn mọi năm. Nếu lần này kiểm được 500 triệu đồng chắc chỉ 100 triệu đồng tiền to, còn lại 400 triệu đồng phải là tiền dưới 10.000 đồng. Trước đây, tiền công đức ít lắm, mỗi năm chỉ mấy trăm triệu, dần lên tới 1 tỷ đồng”, ông Ngà nói.

Phủ Tây Hồ (Hà Nội) không chỉ ngày rằm, mùng một, ngày thường vẫn ken dày khách lễ. Suốt dọc con đường từ bãi để xe vào đến bên trong Phủ, khoảng chừng hơn 30 hàng bán lễ. Trong số đó không ít hàng bày bán đổi tiền lẻ công khai. Phí đổi tiền các mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng dao động từ 20% đến 30% số tiền đổi.

Hầu như tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng không có. “Do nhà nước không in thêm tiền nên loại mệnh giá nhỏ hiện rất hiếm”, chủ một quầy hàng cho biết. Cũng theo vị này, việc cấm sẽ khó vì nếu làm căng quá, chỉ cần người mua có nhu cầu, đưa tiền chẵn mệnh giá lớn, coi như họ mua lễ gì đó, trả lại là xong.  

“Nói mãi chẳng ăn thua”

Ông Trương Tiến Hồi, Phó Ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ, cho hay: Ngày đông nhất có tới 10.000 lượt người đến lễ. Nói về dịch vụ đổi tiền lẻ, ông Hồi nói không hiểu nguồn ở đâu ra, chỉ biết tiền rất mới, có niêm phong. “Có người bảo tiền đấy là của Phủ. Tuy nhiên, tiền ở đây toàn loại cũ.

Tiền công đức từ 50.000 đồng trở lên. Hằng tháng, vào ngày rằm, mùng một chúng tôi đều đưa gửi ngân hàng hết. Việc công khai mua bán tiền lẻ, chúng tôi nhắc rất nhiều. Thậm chí, ban quản lý thông báo trên loa phát thanh đề nghị không được đổi tiền lẻ, nhưng nói mãi chẳng ăn thua. Chúng tôi kiến nghị cần xử phạt mạnh”, ông Hồi nói.

Theo ông Trần Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung-đơn vị quản lý đền Mẫu Hưng Yên, hằng năm địa phương này vẫn nhận được văn bản của các cơ quan có trách nhiệm liên quan để phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Viết Thu-Giám đốc NHNN chi nhánh Hưng Yên bày tỏ quan điểm không nên làm căng, thay vào đó tăng cường tuyên truyền và nhắc nhở để người dân nắm được quy định của nhà nước. “Nếu xử phạt ngay, rất khó để họ có thể chấp nhận một cách vui vẻ. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền tại các di tích. Việc tuyên truyền này cũng phải lâu dài, mình làm không khéo gây bức xúc”- ông Thu nói.

Tâm huyết với đề án hạn chế sử dụng tiền lẻ tràn lan, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú ngỏ ý rất mong sự phối hợp của các cơ quan nhằm “triệt tiêu” dịch vụ đổi tiền lẻ theo hình thức mua bán ăn chênh lệch. “Chúng tôi mong mỗi người dân khi sử dụng đồng tiền quốc gia không chỉ đúng mục đích mà còn quý trọng”, Phó Thống đốc Tú nói.

Source : 24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét