2002-2014 là thời gian bầu Đức bước vào làm bóng đá và sống với bóng đá. Cùng với bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm, bầu Đức là một trong số ít các ông bầu đến với bóng đá và có tâm với bóng đá, dù có lúc ông từng bị xem là cậy có tiền và “làm khó” bóng đá cũng không ít. May là ông bầu này còn chịu nghe và còn biết lọc lại những tư vấn từ cấp dưới, hay từ quân sư của mình nên con thuyền HA Gia Lai (chỉ đề cập ở góc độ bóng đá) có rất nhiều và được cũng rất nhiều.
Tuy nhiên suốt quá trình dài đúng một con giáp đấy, tiếng vang lớn nhất của ông bầu này là năm 2014. Năm mà ông cho lứa U19 ông đã nuôi dưỡng suốt 7 năm trời tốn kém hàng triệu đô mà chưa có nguồn thu nào bước ra sân thi đấu. Năm mà ông cùng với lứa U19 đã tạo ra cơn sốt trong hoàn cảnh bóng đá nước nhà có lúc bị mất niềm tin trầm trọng.
Năm 2014 cũng là năm bầu Đức dám dấn thân bước vào tổ chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam, dù ông thú nhận rất ghét làm quan chức, rất ghét việc phải đeo cà-vạt đứng trước hội nghị.
Bầu Đức xứng đáng được ghi nhận vì những công lao ông đã đóng góp cho BĐVN
Bầu Đức nhận vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF là cả một sự kiện lạ vì đây là vị trí kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam mà bản thân ông thì kiếm tiền cho HA Gia Lai thôi đã hết thời gian, huống hồ là làm cho bóng đá Việt Nam. Đây là lý do có lần ông chia sẻ rất thật là ở cương vị ấy ông chưa đóng góp được gì cả. Và ông đã không giấu giếm chuyện buộc phải ngồi vào vị trí đấy vì lỡ ủng hộ “bạn” Lê Hùng Dũng tranh cử chức chủ tịch VFF, cũng là ủng hộ doanh nghiệp làm bóng đá.
Nhưng mọi người nhắc đến bầu Đức nhiều trong làng bóng không phải vì cái chân phụ trách tài chính mà ông chỉ đứng cho có tụ mà vì cái học viện nổi đình nổi đám của ông. Cái học viện mà bầu Đức ươm mầm đổ vào rất nhiều tiền của và nó xuất phát từ lần cầu thủ Dusit của Thái Lan dẫn ông đi xem học viện JMG Arsenal ở Bangkok, rồi sau đó ông có chuyến sang Arsenal làm việc với ông Wenger và bắt tay với JMG từ đó.
Có sự hợp tác đấy rồi, bầu Đức đã có những lúc thay đổi quan điểm, thay đổi suy nghĩ đến năm lần bảy lượt. Chẳng hạn ban đầu ông nghe nói chỉ cần bán 2-3 cầu thủ là hòa vốn và ông hy vọng như cái cách mà JMG làm việc ở châu Phi và thành công rực rỡ. Có lúc ông cũng hoài nghi khi thấy Thái Lan hợp tác với JMG được giữa đường thì chia tay. Mà Thái Lan là họ đổ tiền bằng kinh phí của chính phủ chứ không phải của doanh nghiệp, thế mà lại dừng hợp tác. Trước những thông tin đa chiều đấy, có lúc ông cũng dao động khi thấy ngân quỹ đổ vào lứa cầu thủ “gà nòi” này nhiều quá mà đầu ra thì chưa biết thế nào.
Cho đến năm 2014 thì tất cả đã có lời giải, dù mới chỉ là lời giải về chuyên môn chứ chưa có lời giải về bài toán lời, lỗ. Lứa cầu thủ ông ươm mầm đã làm đổi thay bộ mặt bóng đá Việt Nam. Nó cho thấy một niềm tin vào lứa cầu thủ “sạch” và tử tế ở tương lai qua môi trường đào tạo và qua cái cách mà các em học được từ nền bóng đá chuyên nghiệp mà JMG đào tạo.
2014 là năm mà lứa U19 của bầu Đức được “thử lửa” nhiều nhất và được quan tâm nhất. Từ những sân bóng vắng vẻ, lứa U19 của ông đi đâu là tạo nên cơn sốt ở đấy.
U19 đá ở sân Thống Nhất, TP.HCM sốt vé; trình làng ở Mỹ Đình, Hà Nội sống trong những ngày hội; về Cần Thơ chơi ở giải U21 quốc tế, Cần Thơ tạo ra những kỷ lục Guinness trong làng bóng Việt… Thậm chí là để làm kinh tế, để tạo sức hút hoặc để có khán giả… người ta đã cố gắng khai thác quanh U19 của ông thật nhiều và thật đậm. Sự khai thác quá đà khiến có lúc U19 bị phản tác dụng khi nhiều người cứ ăn theo, còn bản thân bầu Đức thì nhiều lúc ông “say” theo cơn sốt U19.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét