Trong hai ngày 27-28/12 vừa qua, tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội đã diễn ra lễ hội văn hóa chào đón năm mới Ake Ome!. Ake Ome! là một trong những lễ hội được cộng đồng giới trẻ mong đợi nhất hàng năm với ý nghĩa chào mừng một năm mới sắp tới. Cái tên Ake Ome! được lấy ý tưởng từ câu nói chúc mừng quen thuộc của người Nhật: "Akemashite Omedetou!" có nghĩa "Chúc mừng năm mới!". Vốn là một sự kiện truyền thống tại đất nước Nhật Bản, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ yêu mến văn hóa Nhật Bản.
Tới đây, du khách có thể tham gia các hoạt động chào mừng năm mới của Nhật Bản như omikuji (bốc quẻ đầu năm), mua các sản phẩm lưu niệm từ Nhật Bản như bùa cầu may omamori, búp bê Daruma, mặc thử Yukata...
Lễ hội văn hoá Nhật Bản đã trở thành một hoạt động văn hoá thường niên, có ý nghĩa với giới trẻ Việt Nam.
Trong số những hoạt động văn hóa này, đáng chú ý là hoạt động viết và treo bùa gỗ ngay tại sự kiện. Với mỗi lá bùa, mọi người có thể ghi điều ước trong năm của mình và treo lên, với ước mong nó sẽ thành hiện thực. Rất nhiều bạn trẻ đã bị sự thú vị và ý nghĩa của hoạt động này thu hút, hàng trăm lá bùa được treo lên với nhiều câu ước khác nhau.
Không nhiều cơ hội để có thể tận hưởng không gian văn hóa nước ngoài ngay tại chính đất nước mình, teen Hà Nội đã ngay lập tức có những điều ước của riêng mình. Đó là những điều ước ý nghĩa: ước học giỏi, gia đình hạnh phúc; điều ước cực "kool": ước thành siêu nhân, ước biết bay; hay các mong ước rất thực tế: có nhiều tiền, ước gầy đi, cao thêm, thoát F.A, có việc làm, lương cao,...
Có những điều ước rất cool và dễ thương. Ảnh: Won Mi
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng đã có một số bạn trẻ nhân cơ hội này viết những câu ước hết sức nhảm nhí, thậm chí là bậy bạ, phản cảm liên quan cả đến những bộ phận nhạy cảm của cơ thể (mà chúng tôi không tiện nêu). Thật đáng buồn là những là bùa gỗ vốn là một nét đẹp của văn hoá Nhật Bản đẹp lại bị biến thành một trò đùa vô ý thức và thiếu văn hoá của một bộ phận giới trẻ.
Đây chỉ là một trong những "điều ước" thể hiện sự thiếu ý thức. Còn một số những lời lẽ thô tục liên quan đến những bộ phận nhạy cảm của cơ thể mà chúng tôi không tiện nêu. (Ảnh: Won Mi)
Một bạn trẻ có mặt và chứng kiến quá trình viết điều ước của một số học sinh, sinh viên Việt Nam cho biết: "Mình cảm thấy rất bức xúc và xấu hổ thay khi lá bùa - một nét đẹp văn hóa của người Nhật Bản lại được viết lên những câu ước phản cảm đó. Không hiểu các bạn ấy nghĩ gì nữa. Mà có lẽ nếu nghĩ một chút về thể diện của chính mình hay cách mà người nước ngoài nhìn vào những điều ước này, có lẽ các bạn ấy đã không viết như thế".
Bạn Jeremie thì chia sẻ: "Thực tế có những điều ước còn bậy bạ xàm xí hơn nữa cơ. Kiểu như mình đi còn đọc đc điều ước của 1 bạn nam treo lên là "Em ước ch** em dài thêm xx cm" blah blah về vấn đề s** nữa :v chả hiểu sao các bạn chỉ nghĩ đến việc ấy thôi à. Tuy chỉ là 1 bộ phận nhỏ trong các bạn viết những điều xàm xí, nhưng nó đập vào mặt thấy xấu hổ lắm. Đã thế mình còn đi cùng đứa bạn Nhật học khoa VN học nữa. Ngán"
Sau khi những hình ảnh này được một nhiếp ảnh tên Won Mi chụp lại và được share đi trên mạng, phần đông bạn trẻ đã thể hiện thái độ bức xúc, lên án gay gắt hành động thiếu văn hoá và thiếu suy nghĩ này. Đồng thời các bạn cũng thể hiện mong muốn, nó sẽ giúp phần nào để "cảnh tỉnh" và không còn những hành vi kiểu này trong các sự kiện văn hoá sau nữa.
Nhiếp ảnh gia Won Mi - người đã chụp và đăng tải chùm ảnh này cho biết: "Mặc dù chỉ một số bộ phận, nhưng cá nhân mình thấy những điều ước này hết sức nhảm nhí. Các bạn bỏ tiền ra để mua 1 lá bùa và được viết 1 điều ước của mình lên đó, vậy mà các bạn lỡ lãng phí điều ước đó của mình, nặng hơn là những bạn trẻ đó còn coi thường nét văn hóa thiêng liêng của 1 đất nước. Nếu là người Nhật, họ sẽ không cho phép làm chuyện đó, có khi còn bị xã hội lên án chưa biết chừng. Mình cũng mong rằng nếu lễ hội này có diễn ra một lần nữa, các bạn trẻ sẽ suy nghĩ chín chắn hơn khi viết điều ước của mình lên bùa gỗ".
Sẽ thế nào nếu ban tổ chức hay những người bạn Nhật Bản đọc được câu ước trên các lá bùa này? Họ sẽ nghĩ sao về những người trẻ Việt Nam? Lẽ nào chúng ta, những thanh niên của thế kỷ 21 chỉ có thể ước vài ba điều tầm phào, vô nghĩa này thôi ư?
Còn nhớ cách đây không lâu, một bạn trẻ đã hi vọng "Beckham đừng "google translate" những comment thiếu văn hóa" của cư dân mạng Việt Nam viết lên Facebook của anh. Còn bây giờ, có lẽ nhiều người bắt đầu mong các bạn nước ngoài đừng dịch những điều ước trên các lá bùa này ra tiếng của đất nước họ. Có thể lắm!
Source : kenh14[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét