Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Nga công bố học thuyết quân sự mới, NATO phản ứng thế nào?

Nga công bố học thuyết quân sự mới, NATO phản ứng thế nào? - 1

Tổng thống Putin vừa phê duyệt học thuyết quân sự mới trong đó xem NATO và Mỹ là mối đe dọa chính từ bên ngoà đối với nước Nga.

Học thuyết mới được phê duyệt hôm thứ Sáu (26.12) bao gồm các vấn đề cốt lõi không thay đổi so với phiên bản cũ.

Học thuyết quân sự mới của Nga tiếp tục xem sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, việc bố trí vũ khí chiến lược trên vũ trụ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố là các mối đe dọa đối với nước Nga.

Tuy nhiên, dù xem NATO là mối đe dọa cơ bản, học thuyết quân sự mới của Nga vẫn giữ nguyên tính chất phòng thủ, nghĩa là Nga chỉ sử dụng đến quân đội sau khi mọi giải pháp phi vũ lực thất bại.

Ngoài ra, học thuyết lần này bổ sung thêm các mối đe dọa quân sự mới từ bên ngoài đối với nước Nga liên quan tới tình hình Ukraine, các sự kiện ở Syria, Iraq và Afghanistan, học thuyết tấn công toàn cầu của Mỹ, các yêu sách về lãnh thổ, sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và các nước đồng minh của Nga, các cuộc xung đột vũ trang gần biên giới Nga.  

Đặc biệt, một điểm mới trong học thuyết là việc bảo vệ lợi ích quốc gia ở vùng Bắc Cực - cũng là khu vực mà Mỹ và Canada đang mở rộng sự hiện diện - trở thành một trong những mục tiêu của quân đội Nga.

Về mối đe dọa từ bên trong, Học thuyết quân sự mới của Nga chỉ rõ nguy cơ từ cuộc chiến thông tin nhằm vào người dân, đặc biệt là giới trẻ, với mục đích phá hoại truyền thống yêu nước, những giá trị tinh thần và lịch sử của nước Nga trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc.
 
Về các biện pháp đáp trả, Học thuyết quân sự 2014 của Nga lần đầu tiên đưa ra khái niệm “răn đe phi hạt nhân”, tức là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng vũ trang thông thường. Ngoài ra, Học thuyết mới cũng cụ thể hóa khái niệm “sẵn sàng động viên”, điều chỉnh các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp quốc phòng...

Nga công bố học thuyết quân sự mới, NATO phản ứng thế nào? - 2
Tổng thống Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc họp với giới chức quân đội và các quan chức chính phủ cấp cao của Nga tại Sochi tháng 11.

Học thuyết quân sự mới của Nga được công bố sau khi Ukraine ngày 24.12 quyết tiến thêm một bước về phía NATO khi chính thức từ bỏ quy chế "không liên kết", hướng đến việc gia nhập liên minh quân sự phương Tây do Mỹ đứng đầu, chọc giận Moscow.  

Moscow đã nhiều lần phản đối quyết định triển khai quân ở nhiều nước thành viên có biên giới chung với Nga như các nước Baltic hay Ba Lan của NATO cũng như các dự án lá chắn chống tên lửa của Mỹ ở Đông Âu hay việc NATO "ve vãn" Ukraine.

Nga trong tuần này vừa lên tiếng cáo buộc NATO đang biến Ukraine thành "chiến tuyến đối đầu" và dọa sẽ cắt đứt toàn bộ quan hệ với liên minh quân sự này nếu NATO cho phép Ukraine gia nhập liên minh.

Về phần mình, phản ứng trước việc Nga công bố học thuyết quân sự mới, phát ngôn viên NATO, Oana Lungescu lên tiếng tuyên bố: "NATO không đe dọa Nga hay bất kỳ quốc gia nào. Mọi biện pháp NATO thực hiện là để bảo đảm sự an ninh cho các nước thành viên trong liên minh và rõ ràng chỉ mang tính chất phòng vệ, tương xứng và phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đồng thời, vị quan chức trên cho biết, NATO đã tái khẳng định ý định tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga nếu Moscow tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc quốc tế, ngừng can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Oana Lungescu cũng không quên cáo buộc, chính những hành động của Nga, bao gồm động thái can thiệp của nước này tại Ukraine, đang vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu an ninh của châu Âu.

Source : hn[dot]24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét