Đó là phân tích của ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2014 được tổ chức chiều 27/12.
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước.
Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua là hơn 1 triệu người, tăng 2,8% so với năm trước. Trong năm qua, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong năm 2014, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể. Và có 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước. Có tới 97,3% số doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước; trong đó có 11.723 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 46.599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Ông Phạm Đình Thúy khẳng định, tình trạng phá sản doanh nghiệp giải thể nhiều là "chuyện không tránh khỏi khi nền kinh tế thế giới suy giảm, trong đó có kinh tế Việt Nam”. Năm 2014, dù số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, phá sản nhiều nhưng tính chung lại, tức là lấy doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp phá sản giải thể trừ cho nhau, chúng ta vẫn còn 7.019 doanh nghiệp, tức là tăng nhiều hơn giảm. So với các nước khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại của Việt Nam khá cao.
“Nhìn ở góc độ nào đó, giải thể, phá sản giúp tái cơ cấu nền kinh tế, thanh lọc để tồn tại những doanh nghiệp khỏe hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam do nhỏ bé về quy mô nên các chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác dễ dàng. Ở các nước khác, doanh nghiệp của họ lớn nên khó giải thể và không dễ dàng bỏ doanh nghiệp để kinh doanh lĩnh vực khác được”, ông Thúy nói.
Về thông tin số doanh nghiệp giải thể năm 2014 gia tăng vì ngành thuế siết chặt hóa đơn, ông Thúy đồng tình cho rằng, nếu có chuyện siết chặt hóa đơn, doanh nghiệp giải thể cũng là hợp lý. Bởi điều này sẽ hạn chế được thực trạng doanh nghiệp lập lên chỉ để mua bán hóa đơn, làm “quân xanh, quân đỏ” khi đấu thầu.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, ước tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,98%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,09% so với năm 2013, một mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét