Bị siết chặt, giá tiền lẻ “chợ đen” tăng đột biến
Ngày 21.1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt không in mới tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng nhằm tiết kiệm chi phí. Đồng thời, việc đổi tiền lẻ tại các đình chùa, lễ hội sẽ bị siết chặt và xử phạt hành chính với mức phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng/ trường hợp vi phạm.
Ngay sau khi có thông tin này, hoạt động kinh doanh đổi tiền lẻ tại “chợ đen” cũng trở nên quy mô và có đường dây hơn. Cùng với đó, giá đổi tiền lẻ tại “chợ đen” cũng tăng đến chóng mặt khiến nhiều người đổi tiền ngơ ngác.
Phí đổi tiền lẻ tại "chợ đen" ngày càng tăng chóng mặt
Sau khi có thông tin sẽ không in mới tiền mệnh giá nhỏ, phí đổi tiền lẻ đã tăng vọt. Anh Hoài Dũng ở Thụy Khuê, người đi đổi tiền tại Phủ Tây Hồ cho biết: “Vừa mới mấy hôm trước tôi đổi tiền lẻ tại phủ Tây Hồ nhưng hôm nay quay lại không thấy những người đổi tiền này đâu hỏi mãi mấy người bán nước xung quanh mới biết được nhà của họ để vào đổi nhưng giá đã tăng hơn 10%”.
Trong vai người đi đổi tiền lẻ về các phủ, điện thờ tại một tỉnh lẻ, chúng tôi tìm đến một số điểm đổi tiền lớn tại các phố như Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Phủ Tây Hồ, Tăng Bạt Hổ, Phủ Doãn để khám phá hoạt động này của “chợ đen”.
Tại các tuyến phố trên, những người chủ dịch vụ đổi tiền đều trong vai người trông giữ xe, lái xe ôm hay bán vé số, bán nước đều có sẵn tiền lẻ để đổi hoặc biết mối dẫn khách đến đổi tiền.
Tại một số điểm đổi tiền lẻ trên phố Phủ Doãn hoặc Tăng Bạt Hổ chỉ cần đổi vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, những mối xe ôm hoặc quán nước ven đường sẽ đáp ứng ngay trong vài phút.
Khi có khách hỏi muốn đổi tiền lẻ, chị Thu bán nước trên phố Tăng Bạt Hổ đưa ra một bọc quần áo bên trong có một túi màu đen đựng các cọc tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2000 đồng hoặc 5000 đồng mới nguyên và nói hôm nay cao hơn hôm qua 40%; tiền 500 và 200 đồng lên hơn 200% (tức là 100.000 đồng tiền lẻ đổi lấy 210.000 đồng).
“Năm nay tiền ít nên giá sẽ cao hơn năm ngoái, thậm chí tăng theo ngày. Vài ngày trước giá mới chỉ có 15 - 30%, không hiểu sao mới hôm nay giá tiền tăng vọt lên, sợ Tết cũng không còn mà đổi”, chị Thu cho biết thêm.
Đổi tiền phải theo quy tắc
Tại phố Đinh Lễ, một người phụ nữ trông xe đang đon đả mời khách nhưng khi nghe thấy có người hỏi đổi tiền. Người này dừng lại nhìn khách với ánh mắt soi xét từ đầu đến chân. Tiến lại gần khách, người phụ nữ này vừa đảo mắt quan sát xung quanh vừa hỏi nhanh gọn: “Cần bao nhiêu, khi nào lấy?".
Cảnh giác ngó nghiêng lại một lần nữa, người phụ nữ này quay ra nói tiếp: “Tùy loại tiền và thời gian khác nhau giá thành có thể thấp hoặc cao. Nếu lấy bây giờ loại tiền nào để chị còn phát giá”.
Theo đó, với mệnh giá thấp chi phí đổi sẽ càng cao. Tiền 5.000 đồng; 100.000 đồng đổi lấy 130.000 đồng; 1.000 đồng và 2.000 đồng: 100.000 đồng đổi lấy 135.000-140.000 đồng. Riêng với loại 500 đồng và 200 đồng sẽ có giá cao nhất: 100.000 đồng đổi lấy 210.000 đồng.
Ngay lúc đó có một người đàn ông đi xe SH tấp vào lề đường, đồng thời rút vội một sấp tiền mệnh giá 200.000 đồng đưa cho người phụ nữ. Người này đưa cho người đàn ông một mẩu giấy cùng với lời nói: “Đến gặp nó mà lấy tiền lẻ”.
Tiếp tục quay sang phía chúng tôi, người phụ nữ này giải thích: “Ở đây hay bị dòm ngó, có gì trao đổi qua điện thoại nói chuyện như thế này không tiện” rồi lập tức quay đi.
Tuy nhiên, khi PV nhận là em gái của khách bị mất số liên lạc và muốn đổi tiền, ngay lập tức người này đon đả: “Khách quen đến nhà bao nhiêu cũng có, nhưng nếu khách lạ thì phải tuân theo quy tắc nhận tiền một người và trả tiền lại là một người khác. Những người tham gia đổi tiền cùng các chị cũng phải theo quy tắc, không được thấp hơn hoặc quá cao so với quy định đưa ra nếu không sẽ bị xử đẹp”.
Mắt nhìn tứ phía nhưng người này vẫn không ngừng nhắc khách: “Chị nói trước tiền năm nay rất ít sợ đến Tết phí cao hơn cũng không có tiền mà đổi. Hôm nay rẻ mai đắt không nói trước được, nếu lấy thì phải gọi điện trước cho chị. Còn chị không đổi tiền ở đây”.
Chỉ mới cách đây 1 tuần, tại hai tuyến phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dễ dàng thấy hàng chục người công khai đứng rao đổi tiền lẻ. Ngay cả các bà chủ quán nước, bán hàng rong ở đây cũng cho biết, nếu cần đổi tiền lẻ họ sẵn sàng đáp ứng. Việc “giao dịch” đổi tiền sau đó diễn ra ngay các góc khuất, giá cả được “ngã ngũ”, khách đồng ý là xong.
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt vào đầu tuần qua, tại phố Đinh Lễ, phí đổi tiền lẻ khoảng 30%, tức muốn đổi 100.000 đồng lấy tiền lẻ 1.000 đồng thì phải trả 130.000 đồng. Mệnh giá 200 đồng gần như không có, còn 500 đồng thì tương đối nhiều. Một cò mồi đổi tiền cho biết, tiền mệnh giá nhỏ quá nếu muốn đổi cứ ra phố Hàng Mã là có nhưng phí sẽ rất cao. Tiền 500 đồng đổi ở phố Đinh Lễ hay Nguyễn Xí có phí lên tới 40-50%.
Một số loại tiền không còn mới nguyên mà đã được sử dụng thì mức phí rẻ hơn, ví dụ trước cửa Phủ Tây Hồ khách đổi tiền 500 đồng đã qua sử dụng thì phí đổi dao động từ 15- 20%; tiền 1.000 đồng qua sử dụng phí từ 10- 12%.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét