Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình kết nối ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (gọi tắt là chương trình) trên địa bàn TP năm 2014, triển khai chương trình năm 2015 do UBND TP HCM tổ chức chiều 26-1.
Đẩy lùi “tín dụng đen”
Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, trong năm 2014, chương trình đã cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hơn 40.057 tỉ đồng (kế hoạch ban đầu UBND TP giao là 20.000 tỉ đồng). Năm nay, chương trình tiếp tục đặt mục tiêu bơm thêm 60.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ không quá 7%/năm, cho vay trung - dài hạn ở mức 9%/năm.
Song song đó, các NH thương mại sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất những khoản vay cũ về mức hợp lý và phù hợp với điều kiện của tổ chức tín dụng, theo diễn biến của thị trường.
Doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, ngay trong hội nghị, NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) bất ngờ cam kết sẽ rót hơn 40.000 tỉ đồng cho DN vay trong năm 2015 qua chương trình kết nối. Mức lãi suất cho vay trung - dài hạn cũng được VietinBank nghiên cứu để hạ thêm khoảng 1%-2%/năm so với mức hiện tại các NH đang áp dụng. Với tuyên bố này, tổng mức cam kết cho vay của 19 NH thương mại trên địa bàn TP HCM đối với DN qua chương trình được nâng lên hơn 120.000 tỉ đồng trong năm 2015 (một số NH khác cũng cam kết nâng mức cho vay).
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết trên địa bàn quận có khoảng 6.318 DN và hơn 7.000 hộ kinh doanh, riêng chợ đầu mối Bình Điền có trên 1.000 tiểu thương. “Do thiếu vốn nên nhiều năm nay, tín dụng đen đã len lỏi vào hoạt động của các DN và hộ kinh doanh. Phải đến khi có chương trình kết nối, NH cho vay với lãi suất ưu đãi mới giúp tiểu thương có cái nhìn mới, kênh vay vốn mới” - ông Vũ nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, từ khi chương trình triển khai năm 2012 đến nay, đã có hơn 67.500 tỉ đồng tiếp sức DN với lãi suất ưu đãi. Mặt bằng lãi suất cho vay trong chương trình thường thấp hơn mức bình quân trên thị trường, đã hỗ trợ rất lớn cho DN trong sản xuất kinh doanh.
Nợ xấu vẫn rất “nóng”
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành năm 2015 của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM sáng 26-1, ông Tô Duy Lâm cho biết nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn trong tầm kiểm soát nhưng phát sinh ở mức cao. Việc nợ xấu tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động NH và nền kinh tế, DN khó tiếp cận vốn tín dụng dù các NH thương mại vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro.
Nợ xấu đã tăng từ mức 4,69% lên 5,3% vào cuối năm 2014. Theo đó, tổng số nợ xấu của các NH thương mại trên địa bàn là hơn 56.700 tỉ đồng, tăng hơn 12.000 tỉ đồng so với năm trước. Có 2 nguyên nhân khiến nợ xấu tại TP HCM tăng mạnh là do Thông tư 02 và Thông tư 09 của NH Nhà nước về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.
Đồng thời, việc đánh giá nợ xấu minh bạch và rõ ràng hơn - nhất là với những tổ chức tín dụng có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng. “Phần lớn nợ xấu trên địa bàn tăng trong thời gian gần đây do liên quan đến các tổ chức tín dụng này” - ông Lâm nói.
Trong khi đó, vấn đề chất lượng tín dụng được Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh và cho rằng các con số đưa ra về nợ xấu chưa phản ánh hết bức tranh chung của ngành NH bởi tỉ lệ nợ xấu trên 5% là mức bình quân của các tổ chức tín dụng, trong đó một số NH tỉ lệ nợ xấu chỉ 1% - nghĩa là có một số tổ chức tín dụng quy mô nhỏ hơn, con số nợ xấu sẽ ở mức rất cao. “Năm 2015, chỉ tiêu kéo nợ xấu về dưới 3% nhưng lại phải áp dụng các quy định mới về tiêu chuẩn an toàn nên sẽ có những thách thức không nhỏ” - ông Tiến nhìn nhận.
Nhiều NH thương mại than phiền quá trình xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn nghẽn khiến thu hồi nợ gặp khó khăn. Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn đề nghị UBND TP chủ trì cuộc họp về công tác xử lý nợ giữa NH thương mại với các cơ quan chức năng trong việc đưa tài sản thế chấp ra tòa, thi hành án. Hiện có nhiều vụ không thu hồi nợ được do vướng thủ tục hoặc nhiều khoản vay khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, chây ì nên rất khó thu hồi.
Hơn 250.000 tỉ đồng đến tay DN Từ mô hình chương trình kết nối NH và DN trên địa bàn TP HCM, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh, thành áp dụng và giải ngân được hơn 250.000 tỉ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp cho DN, hộ sản xuất kinh doanh. Điều quan trọng, đây là chương trình làm thật, ký thật và các NH cam kết giải ngân đúng theo tiến độ. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét