Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, người tiêu dùng không định hướng được vì quá nhiều đơn vị quảng cáo sữa tiệt trùng, thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng... Theo ông Hùng, trên bao bì của nhiều hãng sữa có in dòng to là sữa tiệt trùng, chỉ phần in nhỏ mới nói làm từ sữa bột. Tình trạng này có thể hiểu là sự lập lờ, làm người tiêu dùng khó phân biệt được nguồn gốc, nguyên liệu sản xuất sữa.
Ông Hùng cũng cho biết, việc quản lý chất lượng sữa nước hiện nay chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất, còn khâu hậu kiểm chỉ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một số chỉ tiêu ghi trên bao bì nhưng ít có kiểm tra phân tích mẫu theo định kỳ thường xuyên. Do đó, nhiều DN sữa thiếu hướng dẫn cũng như kiểm tra quá trình vận chuyển, bảo quản sữa trước khi đến tay người tiêu dùng. “Khi nào những quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và những luật có liên quan được thực thi trên thực tế, lúc đó may ra quyền lợi của người tiêu dùng mới được đảm bảo”, ông Hùng nói.
“Mỗi năm chúng ta mất vài tỷ USD nhập sữa bột; trong khi sản xuất sữa tươi trong nước rất nhiều tiềm năng. Vì thế, nên sửa lại quy chuẩn kỹ thuật. Để như vậy là rất dở”. Ông Tô Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) |
Tuy nhiên, ông Chinh cho rằng, quyền quan trọng này đang bị ảnh hưởng khi khái niệm sữa ghi trên bao bì đang có biểu hiện không rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, sữa chế biến từ sữa bột đang được ghi trên bao bì là “sữa tiệt trùng”, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Nhưng đến năm 2010, Bộ Y tế có Thông tư 30/2010/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng. Trong đó, sữa dạng lỏng làm từ sữa bột không còn được gọi là “sữa hoàn nguyên” mà gọi là “sữa tiệt trùng”. Tên gọi này không gọi thẳng vào nguyên liệu sản xuất (sữa bột hay sữa tươi) mà chỉ là tên phương pháp chế biến, dùng chung cho cả sữa bột và sữa tươi.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định bắt buộc (khác với tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ mang tính khuyến khích). Thành ra, các hãng sữa dựa theo đó để ghi nhãn. “Bộ Y tế đưa ra khái niệm đó (sữa tiệt trùng - PV) vì họ không phải là dân chuyên môn. Có thể vì bảo vệ DN nên không ổn lắm về mặt kỹ thuật”, ông Chinh nói.
Ông Chinh đánh giá, quy chuẩn này không những ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường mà phương hại đến sản xuất trong nước. Hiện nay, sữa tươi chỉ mới đáp ứng được 28% nhu cầu nhưng có dư địa phát triển lớn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người nông dân và DN chăn nuôi bò sữa trong nước. “Mỗi năm chúng ta mất vài tỷ USD nhập sữa bột; trong khi sản xuất sữa tươi trong nước rất nhiều tiềm năng. Vì thế, nên sửa lại quy chuẩn kỹ thuật. Để như vậy là rất dở”, ông Chinh nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc xử lý các vấn đề liên quan đến sữa tươi, đặc biệt là nông dân nuôi bò sữa là vấn đề của Bộ NN&PTNT, không thuộc ngành Y tế.
Theo ông Tô Xuân Chinh, hiện nay, người tiêu dùng muốn nhận biết được sữa tiệt trùng làm bằng sữa tươi hay sữa bột phải đọc mục “thành phần” ghi trên bao bì. Ngoài ra, hiện thị trường có những sản phẩm như sữa tiệt trùng có đường của Dutch Lady pha giữa sữa bột và sữa tươi nhưng không ghi tỷ lệ của hai loại nguyên liệu. Theo ông Chinh, cách ghi này không đủ để người tiêu dùng nhận biết; không ghi rõ tỷ lệ sữa tươi, sữa bột là không sòng phẳng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát.