Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Xóa sổ các môn học: Việt Nam học được gì từ Phần Lan?

Gần đây, chính phủ Phần Lan - một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới đã quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng” trong dạy và học khi “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn.

Những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại. Thay vào đó, học sinh sẽ mặc sức thảo luận, khám phá, tìm hiểu về những chủ đề mang tính hiện tượng bao quát hơn.

Có chuyên gia cho rằng, Phần Lan có một cuộc “cách mạng” trong dạy và học. Trong khi đó, trường học của Việt Nam chỉ dạy học sinh “học vẹt”. Hơn nữa, giáo dục tại Việt Nam chỉ quan tâm đến chương trình chứ không cần quan tâm đến dạy học.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với thạc sỹ Lê Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV).

 Xóa sổ các môn học: Việt Nam học được gì từ Phần Lan? - 1
Thạc sỹ Lê Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và Trí tuệ Việt

Thưa bà, là một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển giáo dục, bà đánh giá thế nào về quyết định “xóa sổ” các môn học của Phần Lan? Theo bà, vì sao trên thế giới chỉ có Phần Lan “xóa sổ” các môn học còn các nước khác không thể?

Để có cái nhìn sơ bộ về giáo dục Phần Lan, trước tiên, chúng ta cần biết từ giữa thế kỷ 19, quốc gia này đã nổi tiếng với nhiều chính sách và chiến lược tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Tôi được biết, GS. Toner Wagner, Đại học Harvard, Mỹ nghiên cứu về giáo dục Phần Lan đã đánh giá rất cao và ngạc nhiên về nền giáo dục của đất nước này.

Giáo dục Phần Lan thực sự là một hiện tượng khác biệt, đổi mới. Đơn giản bởi đất nước này có quá nhiều chính sách tiên phong – mà ngay cả Mỹ cũng chưa hề đạt được.

Chẳng hạn, quan điểm người thầy không chỉ là nhà giáo dục mà là người làm khoa học về giáo dục. Tất cả giáo viên phải có bằng thạc sĩ và đều được học chương trình giáo dục chất lượng cao.

Trong quá trình học, không hề có bất kỳ bài kiểm tra cấp quốc gia nào với học sinh. Học sinh không có bất kỳ áp lực thi cử. Giáo viên trong con mắt dân chúng là một nghề được tôn sùng bởi họ không chỉ là giáo viên, họ là những nhà nghiên cứu khoa học và phòng học là phòng nghiên cứu của họ.

Theo tôi, một quốc gia có nền giáo dục đứng đầu thế giới như thế thì việc họ “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... và thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn cũng không có gì lạ.

Phần Lan lại một lần nữa tiên phong, phá rào quan điểm giáo dục truyền thống: Học thuộc lòng, học vì điểm, học cho đẹp học bạ.

Gọi là “xóa sổ” Toán, Lý, Hóa, Lịch sử chứ trong thực tế, các môn hoc này vẫn được dạy theo một hướng khác. Họ sẽ dạy học sinh trong các tình huống cụ thể, trong môi trường cụ thể. Chẳng hạn, học tính toán, kỹ năng làm việc nhóm qua cách quản trị quán cà phê; học lịch sử thông qua các thảo luận nhóm theo các chủ đề nhất định…

Về kiến thức lịch sử cụ thể, học trò có thể tra cứu ở khắp nơi, nhưng kỹ năng tư duy và kỹ năng học để khi ra đời làm được việc thì không phải nền giáo dục nào cũng làm tốt sứ mệnh của mình.

Theo Chính phủ Phần Lan, lý do để họ áp dụng sáng kiến này xuất phát từ mong muốn cho học sinh làm quen với những thách thức thực tế từ môi trường làm việc trong “xã hội hiện đại”. Bà nghĩ sao về điều này?

Đây là quan điểm giáo dục rất thực tế và nhân văn. Giáo dục Phần Lan không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức cho học sinh mà chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế - học để tự sinh tồn, thích nghi và ứng dụng kỹ năng, kiến thức trong xã hội hiện đại. Nền giáo dục rút ngắn nhất quá trình trưởng thành của con người; tạo gia giá trị kinh tế thực thụ.

Tại Việt Nam, hàng triệu công dân Việt Nam đã dành 12 đến 16 năm cuộc đời mình chỉ để học. Khi họ tốt nghiệp THPT hoặc nhận tấm bằng đại học, quá nửa trong số đó chật vật với cuộc sống mưu sinh.

Người lao động thiếu trầm trọng hoặc gần như không có các kỹ năng làm việc tối thiểu. Ra trường, họ lơ ngơ như bò đội nón… không thể tự sinh tồn trong môi trường đầy những thách thức, biến động trong xã hội.

Khi nhà trường chỉ dừng lại ở việc dạy học thuộc lòng, chạy theo điểm số và bệnh thành tích thì chúng ta đang đi lùi dần đều với thời cuộc. Trong môi trường thế giới phẳng, tri thức nhân loại được cập nhật hàng giờ, chúng ta chỉ cần 1 giây tìm kiếm trên internet là ra rất nhiều góc phân tích đa chiều.

Nếu con người không làm chủ được công nghệ trong thế giới phẳng để làm dày kho tàng kiến thức của mình thì đó là lỗi của những nhà giáo dục, không trang bị cho con trẻ kỹ năng căn bản.

Có chuyên gia cho rằng, trên thế giới, các nước dạy học sinh để làm chứ không phải học để vẽ ra những điều không có thực. Hơn nữa, Việt Nam chỉ dạy học sinh “học vẹt”. Với thực tế này, theo bà, liệu Việt Nam sẽ học được những gì từ đất nước Phần Lan?

Một nền giáo dục nghe - chép - văn mẫu, thụ động cả trong suy nghĩ và hành động… về bản chất là đi lùi dần đều.

Trong quá trình dạy và học có quá nhiều kiến thức thừa, lãng phí được nhồi nhét cho học trò, có khi cả cuộc đời chẳng bao giờ dùng tới. Trong khi đó, học sinh, sinh viên lại thiếu trầm trọng kỹ năng sống, khả năng thích nghi, sự chủ động trong tư duy.

Ngược lại, Phần Lan ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh đã làm quen với những thách thức thực tế từ môi trường làm việc của “xã hội hiện đại”.

Tất nhiên, nếu Việt Nam có thể học được Phần Lan thì quá tốt.

Song, để học được họ, trước tiên, chúng ta cần có hành lang pháp lý, chính sách cải tổ tương xứng. Bởi khi chưa có khung chính sách thỏa đáng, dù có học gì cũng chỉ là sự chắp vá và thiếu đồng bộ.

Giáo dục tạo ra con người, con người chấn hưng đất nước. Công dân có tài thì đất nước mới hưng vượng. Vì thế, mọi người mong về một nền giáo dục tốt hơn là hoàn toàn chính đáng.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Source : hn[dot]24h[dot]com[dot]vn
post from sitemap

0 nhận xét:

Đăng nhận xét