Nếu được hỏi "Bạn yêu Sài Gòn vì điều gì?", liệu ngay lập tức bạn có thể có câu trả lời không?
Yêu Sài Gòn từ những thứ nhỏ xinh như ly cafe sữa đá vỉa hè. Yêu từng hàng me xanh, điệp vàng trên từng con phố thân quen. Yêu những gánh hàng rong vội vã. Yêu cơn mưa chợt đến chợt đi. Yêu những quán cafe ngồi cả ngày không chán. Yêu ẩm thực đa dạng. Yêu con người mộc mạc, chân phương.
Vậy đấy. Đôi khi bạn sẽ thấy Sài Gòn đẹp ở một khía cạnh nào đó rất giản dị và bình yên. Giống như những con người sống ở mảnh đất từng là "Hòn ngọc viễn đông" nức tiếng một thời này, có thể, họ không sinh ra ở Sài Gòn, có thể, họ chỉ là những con người bình thường, rất đỗi bình thường thôi. Thế nhưng, tình yêu đối với Sài Gòn trong trái tim họ, vẫn là một thứ cảm xúc rất đỗi thiêng liêng, rất đỗi trân quý.
Chính những nỗi vất vả, lo toan giữa bộn bề của cuộc sống đã vô tình khiến họ gắn chặt với Sài Gòn đến nỗi chẳng nỡ buông. Để có khi hỏi lại, họ còn hãnh diện mà bảo rằng Sài Gòn là nơi chôn nhau cắt rốn, như một mái nhà và là quê hương thứ hai để họ được tái sinh và sống cùng với nó. Và họ còn biết rằng, chỉ ở Sài Gòn này mới cho họ nỗi nhớ, cái thương, sự yêu và cả lòng khắc khoải vô vờ bến mà chẳng nơi nào khác có được.
"Ông sống ở Sài Gòn đến nay đã hơn 70 năm rồi, có được mấy đứa con và vài đứa cháu. Nhưng do cuộc sống ngày càng khó khăn nên ông và bà đành phải ở tạm trong chùa để bớt đi gánh nặng cho con cho cháu. Dù lớn tuổi nhưng tụi con thấy đó, ông vẫn khỏe! Mỗi ngày ông còn đạp được chiếc xe rồi chở theo bà từ bên quận 4 lên quận 1 để dọn quán nước nhỏ. Cực chứ chẳng sung sướng chi, nhưng mình còn sức thì còn làm, ông chẳng muốn để ai nuôi.
Nói chứ ở Sài Gòn mấy mươi năm, cái gì mà ông không trải qua chứ!? Cực lắm, cái gì cũng khó khăn. Nhớ hồi trẻ mình còn liều, làm đủ thứ nghề hết, để rồi giờ về già chỉ mong có được một cuộc sống đơn giản bên cạnh bà. Quan trọng là không nợ nần chi. Mắc cảnh nợ nần là mệt lắm.
Nhiều khi cũng có người bảo ông lớn tuổi rồi nên về quê mà sống cho an nhàn. Nhưng ông thấy Sài Gòn mấy mươi năm rồi nên cũng quen. Ở đây gần con, gần cháu, lo được cho bả (vợ của ông), có mua thuốc mua men gì cũng dễ. Với lại ở Sài Gòn bây giờ ông còn có mấy ông bạn già nữa. Hồi xưa là anh em chí cốt, giờ ai nấy già yếu hết rồi, có người chẳng còn sống nhưng thỉnh thoảng cũng còn liên lạc với gặp lại nhau. Chứ có mà rời Sài Gòn rồi thì có khi anh em chẳng còn liên lạc được nữa".
"Chú quê ở Trà Vinh chứ không phải gốc Sài Gòn, nhưng nói thật tình là chú xem Sài Gòn như quê thứ hai của mình vậy. Nhớ hồi đó dưới quê cơ cực biết là bao nhiêu, đất đai không có, ruộng cũng không nên đành phải rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Thời Sài Gòn vừa đổi mới nhiều cái cũng còn khó khăn. Lúc đó chú làm qua đủ thứ nghề, nhà nghèo tới nỗi chiếc xe đạp cũng tằn tiện lắm mới sắm nỗi một chiếc và chạy miết tới 3 năm trước mới sắm được chiếc xe máy cũ chạy cho khỏe.
Sau cuối cùng chú chọn cái nghề vá sửa xe dạo vì nghề này vốn ít mà cũng không cần phải học nhiều. Góc đường Tôn Đức Thắng này chú ngồi đến nay đã gần 30 năm rồi đó. Đúng chỗ này, đúng cái góc này! Bởi thế chú quen lắm, thành ra lại thương nó chẳng bỏ đi đâu được. Một phần nữa là vì nơi đây gắn liền với biết bao kỷ niệm của chú, từ những vấp ngã đầu tiên ở mảnh đất Sài Gòn cho đến những niềm vui cũng đều bắt đầu ở góc đường này.
Con nhìn đi, cái cây trứng cá này cũng là do chú trồng đó! Nhờ nó mà mấy năm nay chú có chỗ để che nắng, đục mưa. Bởi vậy giờ mà có ai bảo chú rời Sài Gòn hay bỏ cái góc này đi thì làm sao mà nỡ?"
"Làm công việc quét dọn này mặc dù cực nhưng mà cũng vui, nhất là được thấy bà con, tụi nhỏ có cái công viên sạch sẽ để mà ra hóng mát, tập thể dục mỗi ngày. Mỗi người mỗi việc, anh thấy không có nghề nào thấp hay cao, sang hay hèn cả, quan trọng là mình làm được gì có ích mà thôi. Mặc dù anh chỉ quét dọn công viên, nhưng nếu không có công việc này thì Sài Gòn đâu thể nào sạch sẽ, xanh mát như thế này được. Đó cũng là động lực để anh làm việc, coi như mình cũng có ích cho xã hội, nhất là cho Sài Gòn."
"Mình nghĩ là con gái thì có vẻ ai cũng thích mưa của Sài Gòn cả. Bởi những cơn mưa bất chợt đến, rồi bất chợt đi thì chỉ ở Sài Gòn mới có mà thôi. Mình thích mưa một phần cũng vì nó mang đến cho mình nhiều những kỷ niệm rất đẹp về anh ấy. Những lúc buồn thẫn thờ ngồi ngắm mưa rơi cũng cho mình vài cái cảm xúc gọi là nhớ, thương và bồi hồi về những điều gì đó trong cuộc sống."
"Đều sinh ra là lớn lên của Hà Nội, thế mà cách đây 2 năm, nhờ một chuyến công tác ở Sài Gòn mà anh chị đã gặp được nhau. Như một cái duyên trời định, từ một thành phố xa lạ, nơi mà cả hai người đều không phải sinh ra và lớn lên, thế mà lại là nơi giúp anh chị biết đến sự tồn tại của nhau. Kể ra cũng lạ và cảm thấy duyên thật. Nên nhiều khi anh chị cũng thầm nghĩ, nếu không có Sài Gòn, liệu chăng chúng ta có thê đến được với nhau hay không? Liệu có thể cùng nhau hạnh phúc như ngày hôm nay? Nên đối với anh chị, Sài Gòn là một nơi rất có ý nghĩa trong cuộc sống của nhau và đó cũng là lý do vì sao mà ngày hôm nay, anh chị trở lại Sài Gòn để thực hiện bộ ảnh cưới này. Muốn Sài Gòn lại là nơi giúp anh chị cất giữ thêm nhiều những khoảnh khắc ngọt ngào và hạnh phúc nhất của hai người trước ngày trọng đại."
"Chú bán kem ở Sài Gòn này đã hơn 30 năm rồi chứ chẳng chơi. Nhưng chú chỉ bán và đạp xe lòng vòng ở mấy khu trung tâm thôi, vì ở đây dễ bán, đường phố có nhiều cây. Hôm nào chú đạp xe đi bán giữa buổi trưa nắng thì cũng đỡ lắm con ạ. Buôn bán cái này lời lóm không nhiều, được cái là ổn định và chú cũng có kỷ niệm với nó. Nhớ hồi còn trai trẻ chú đạp xe bán kem ở ngoài cổng Dinh Thống Nhất thì gặp được một người con gái. Lúc đó cổ gọi chú muốn mua kem, rồi nói chuyện tán dóc một hồi chẳng biết thế nào mà hai người phát hiện có tình cảm với nhau. Ngày qua ngày chú cũng có cưa cẩm cổ rồi cuối cùng hai người yêu nhau rồi cưới nhau luôn. Đến nay cô chú vẫn ở với nhau hạnh phúc suốt mấy chục năm rồi. Thỉnh thoảng chú đạp xe đi bán ngang qua Dinh cũng nhớ lại tý kỷ niệm cũ, xong về kể cho cổ nghe, chú bảo chứ: "Hôm nay anh lại đi ngang qua cái chỗ hồi đó mình quen nhau em ạ". Nói có thể mà bả vui, lâu lâu còn tán dóc nói về chuyện hồi đó".
"Quanh Sài Gòn này có ngóc ngách nào mà chú chẳng tới rồi!? Chú còn chứng kiến được nhiều sự thay đổi của Sài Gòn từ 30, 40 năm về trước. Bởi vậy mỗi lần chở khách du lịch là chú đều kể cho tụi nó nghe về Sài Gòn ngày xưa ra sao, bây giờ thế nào, rồi ở Sài Gòn có địa điểm nào nổi tiếng là chú đều chở tới tận nơi, chỉ tận mặt nên tụi nó thích lắm. Nhiều thằng Tây còn thích thú muốn chụp ảnh tặng cho chú nên đạp xích lô dạo vậy chứ ở nhà chú có nhiều hình đẹp lắm. Toàn được người ta tặng nên cất kỹ".
Source : kenh14[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét