Trong những năm chiến tranh tần phá miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965 – 1968), Vĩnh Linh là địa đầu giới tuyến, phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn của kẻ thù. Nhân dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống xuống lòng đất; xây dựng Địa đạo Vịnh Mốc và kiến tạo một Hệ thống làng hầm gồm 114 địa đạo với độ dài hơn 40 km cùng một Hệ thống giao thông hào hơn 2.000 km, nối thông các làng hầm với nhau.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vui mừng đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh vào tối 28.4
Ngày 31.12.2014, Thủ tướng Chính chủ đã ban hành quyết định số: 2408/QĐ-TTg Xếp hạng di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. |
Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15m, là nơi sống và sinh hoạt của dân làng; tầng 3 có độ sâu hơn 23m, cách mặt nước biển khoảng 5m, là nơi tránh bom, đồng thời trung chuyển hàng hoá, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ.
Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu 1,8m, rộng 0,8m là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường với sức chứa hơn 50 người (dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, bệnh xá, trạm gác, máy điện thoại, nhà hộ sinh, nhà tắm…
Căn hộ gia đình trong lòng địa đạo Vịnh Mốc
Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 -1972) trong địa đạo ở Vĩnh Linh nói chung đã có 60 đứa trẻ được sinh ra, riêng địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ ra đời an toàn. Đặc biệt, ở địa đạo Vĩnh Mốc không có bất kì ai bị thương vong.
Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh chính là một kỳ tích cho sự tồn tại, sống và chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, một trong những biểu trưng cho tầm cao về Nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Tối cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất”. Đến dự có Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - Đinh Thế Huynh, lãnh đạo một số bộ ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, hàng ngàn trại sinh đang tham gia hội trại “Thống nhất non sông” và đông đảo bà con nhân dân.
Chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất” chào đón 40 năm ngày thống nhất đất nước
“Nhịp cầu thống nhất” được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ý nghĩa của ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại của đất nước.
Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa rực rỡ ngay trên khúc sông giới tuyến từng một thời chia cắt Bắc-Nam.
Màn bắn pháo hoa hoành tráng kéo dài khoảng 10 phút
0 nhận xét:
Đăng nhận xét