Có một câu nói rất hay về Hà Nội mà tôi rất thích, đó là: "Hà Nội chẳng vội được đâu". Tuy nhiên, đôi lúc tôi thấy câu nói này nếu dùng để ví về Sài Gòn thì cũng hay và lắm cái thú vị đấy chứ! Nhất là khi nhịp sống của Sài Gòn vốn dĩ đã nhanh trôi, vội chảy, thế nên thỉnh thoảng chúng ta cũng cần lắm việc sống chậm lại, ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Cái khoảnh khắc "không vội" ấy sẽ giúp ta được "chạm" vào những góc nhỏ bình yên mà thường ngày đã bị ta bỏ quên, giữa nhịp sống tấp nập, bon chen và mù tịt bởi khói bụi.
Cũng nhờ cái khoảnh khắc mà ta nhìn ra được vẻ đẹp từ guồng quay cuộc sống đó, ta có thể thêm yêu Sài Gòn và dành nhiều tình cảm hơn với nó. Thậm chí dù ta có đến một thành phố khác, thì chỉ cần mỗi khi nhìn thấy một hình ảnh hay cảnh tượng nào tương tự như thế, cũng sẽ khiến ta say đắm, rộn ràng trong tim mà nhớ về một Sài Gòn thân thuộc.
Và sau một khoảng thời gian sống chậm lại đúng như thể "Sài Gòn chẳng vội được đâu", tôi đã nhìn ra được vài thứ thú vị về một Sài Gòn rất khác với thường ngày, những thứ mà hẳn khi nhắc đến, bạn cũng sẽ "À" lên một tiếng và cảm thấy ấm áp trong tim.
Buổi sáng ngồi ở cà phê bệt Nhà thờ Đức Bà nhâm nhi một ly cà phê sữa đá, hẳn là rất nhiều bạn đã biết đến đàn bồ câu này. Suốt hơn 10 năm qua, đàn bồ câu ấy đã trở thành một hình ảnh gắn liền với nhà thờ Đức Bà. Nhất là vào buổi sáng sớm, nhìn hàng trăm chú bồ câu đậu khắp trên mặt đường tranh nhau từng hạt thóc, sau đó chúng lại vội tung cánh bay đi, cảm giác thật sự yên bình và đẹp đến ngẩn người.
“Sài Gòn có lá me bay”. Nếu có một loại cây nào đó được chọn làm biểu tượng cho Sài Gòn, chắc chắn tôi sẽ chọn cây me. Có mặt ở Sài Gòn đã hơn một thế kỷ, từ những năm chống Pháp, người ta đã biết đến những hàng me xanh lúc lỉu quả trên những con đường của "Hòn ngọc viễn đông". Và cứ thế suốt ngần ấy năm, me vẫn là loại cây làm tô điểm cho vẻ xanh mát của Sài Gòn.
Chắc chắn một hình ảnh không thể thiếu khác của Sài Gòn đó chính là ly cà phê sữa đá với màu nâu sậm, sóng sánh và đậm đà hương vị làm say mê biết bao nhiêu du khách. Cái hương vị đậm đà, đặc biệt ấy thật sự chỉ có thể tìm được ở Sài Gòn mà thôi.
Giữa phố thị sầm uất của Sài Gòn, đôi khi chính những gánh hàng rong đơn sơ, giản dị thế này mới thể hiện được cái nét sinh hoạt đời thường của người Sài Gòn là thế nào.
Trên con đường Lê Lợi quận 1, đây là nơi mà cá nhân tôi đã chứng kiến có nhiều sự thay đổi nhất ở Sài Gòn, từ những hàng cây xà cừ bị đốn hạ, cho đến những tòa nhà cũ được đập phá để thay thế cho những tòa cao ốc sắp sửa khai trương. Chưa kể thỉnh thoảng trên con đường này lại mọc thêm những cửa hàng thời trang, nhà hàng hay trung tâm mua sắm mới nhằm theo kịp cuộc sống hiện đại. Duy có một góc rất nhỏ nằm trên con đường này mà suốt hơn 30 năm qua tôi vẫn không hề thấy thay đổi, đó chính là chỗ ngồi của bác "nghệ nhân đường phố" Nguyễn Thắng.
Bắt đầu ngồi và làm công việc khắc chữ trên con đường này từ những năm 1981, đến nay, bác Nguyễn Thắng vẫn rất yêu và sống hết mình với nghề. Dù xung quanh bác mọi thứ đã thay đổi, nhưng bác vẫn ngồi đấy, ngày ngày đem đến cho mọi người những đường chữ đẹp trên những chiếc bút máy mà ngày xưa kia, đám trẻ học sinh như tôi cảm thấy thật kỳ diệu làm sao. Giờ đây, khi tôi đã trưởng thành, dù không còn sử dụng những cây bút máy nữa thì ngày ngày đi làm về trên con đường này, thỉnh thoảng tôi vẫn cứ có thói quen nhìn vào tìm bác. Bởi với tôi, bác đã là một phần không thể thiếu trong ký ức về một Sài Gòn rất đẹp và giản dị.
Đến cả các vị khách nước ngoài cũng biết đến bác và họ tò mò, ngưỡng mộ về công việc mà bác đang làm. Với họ, bác cũng là một phần không thể thiếu của Sài Gòn.
Ngày nay, những tiệm cắt tóc, salon chuyên nghiệp "mọc" lên như nấm. Nhưng những hàng cắt tóc vỉa hè, núp dưới những gốc cây mát với tôi vẫn là một hình ảnh rất đẹp. Có thể đó không phải là dự lựa chọn của những người trẻ sành điệu, nhưng với những cụ ông, những chú xe ôm, ba gác,... thì đây là nơi để họ được "tút tát", làm đẹp cho chính mình.
Sài Gòn ngoài những tòa nhà cao tầng, hiện đại thì xung quanh vẫn còn rất nhiều nhưng căn chung cư cũ kỹ, nằm xen mình, len lỏi đâu đó. Nó giống như một kiểu pha trộn đầy ngẫu hứng giữa một Sài Gòn hiện đại và những góc nhỏ còn sót lại của thời gian. Nơi mà có những thứ cũ xưa vẫn tồn tại nhưng không vì thế mà bị lãng quên.
Sài Gòn còn có rất nhiều những quán cà phê, cửa hàng nhỏ xinh xắn nằm sâu bên trong những căn chung cư cũ. Với nhiều bạn trẻ, đây là những địa điểm lý tưởng để khám phá và trải nghiệm.
Người Sài Gòn thường hay ghen tị với Hà Nội rằng tại sao họ lại có mùa hoa Sưa, hoa Sữa,... mà Sài Gòn thì chẳng có gì. Không phải Sài Gòn không có, mà chỉ vì bạn không để ý đó thôi. Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 2 sẽ trở nên vàng rực bởi những chùm hoa Điệp vàng xen kẽ bên hàng cây xanh ven đường. Có thể nói đây là lúc mà Sài Gòn trở nên nổi bật và lãng mạn nhất chăng?
Sài Gòn có vô vàn những con đường không tên, chúng rất nhỏ và ngoằn ngoèo, nhưng kỳ thật đi càng xa, càng vượt qua những khúc quanh đó người ta sẽ càng khám pha ra được nhiều cái rất hay và thú vị khác về một Sài Gòn mà ở những con đường lớn không bao giờ có được.
Hàng xà cừ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Tôn Đức Thắng luôn khiến người Sài Gòn cảm thấy nao lòng. Đây là những con đường xanh nổi tiếng và đẹp nhất còn đang tồn tại giữa trung tâm thành phố.
Nếu ai đó hỏi tôi ghét nhất cái gì ở Sài Gòn thì chắc chắn tôi sẽ nói đó là mùa mưa. Mùa mưa ở Sài Gòn khủng khiếp lắm. Ẩm ương cứ như thể thích thì nắng, ghét là đổ đại một trận như trút, chẳng màng gì đến mọi thứ xung quanh. Đặc biệt vào mùa mưa ở Sài Gòn còn có một "đặc sản" khác, đó chính là đường phố ngập lụt, việc đi lại trở nên cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên đôi khi ngẫm lại, chính vì tính khí thất thường đó mới làm nên một nét thú vị rất riêng cho Sài Gòn.
Từ trước những năm 1975, Sài Gòn đã nổi tiếng với việc trên mọi nẻo đường đều ngập tràn hình ảnh của những chiếc xe máy bon bon chạy khắp nơi. Nhưng qua thời gian, những dòng xe nổi tiếng một thời như Mobylette, Honda Cub, Lambretta,... dần dần biến mất, thì ngược lại Vespa lại trở thành dòng xe trường tồn với thời gian. Thậm chí, nó còn được mọi người yêu thích, sưu tầm, săn lùng như thể đó là một phần ký ức, nối liền giữa một Sài Gòn xưa và nay. Giờ đây Vespa có rất nhiều dòng, nhiều loại, có những chiếc giá hàng trăm triệu đồng, nhưng với những ai sành xe, yêu Vespa thì vẫn chuộng dòng xe cổ và cũ khi xưa. Có cảm giác như thế Vespa được sinh ra là để dành riêng cho Sài Gòn vậy. Thậm chí cái tiếng kêu "lạch bà lạch bạch" của nó cũng là một thứ mang đậm mùi Sài Gòn.
Sài Gòn 2015, ấy thế mà vẫn còn đó hình ảnh những chiếc xích lô cũ và những chiếc nón lá bình dân, mộc mạc. Giữa guồng sống trôi nhanh, vội chảy của một Sài Gòn hiện đại như ngày nay, thì đôi khi tình cờ bắt gặp những điều tuy rất nhỏ này, nó khiến tôi nhớ đến việc mình từng là một người con của Sài Gòn cũ, cũng đã từng trải qua những hình ảnh thân thuộc đó.
"Sài Gòn chẳng vội được đâu", bạn đã tin tôi chưa khi nhìn thấy hình ảnh này!? Ông cụ với một chiếc xích lô giờ đây dường như đã trở nên quá nhỏ bé dưới sức nặng của cuộc sống mưu sinh. Trong khi đằng xa là những chiếc xe máy vội vàng và đều tăm tắp, thì ở phía sau, ông vẫn từ từ chống đẩy "cuộc đời" của mình.
"Sài Gòn chẳng vội được đâu", bạn đã tin tôi chưa khi nhìn thấy hình ảnh này!? Ông cụ với một chiếc xích lô giờ đây dường như đã trở nên quá nhỏ bé dưới sức nặng của cuộc sống mưu sinh. Trong khi đằng xa là những chiếc xe máy vội vàng và đều tăm tắp, thì ở phía sau, ông vẫn từ từ chống đẩy "cuộc đời" của mình.
Bạn có bao giờ nghĩ sẽ một lần được nhìn thấy Sài Gòn thu nhỏ trong những mảnh giấy 3D như thế này chưa? Vài năm gần đây khắp các đường phố Sài Gòn đâu đâu cũng xuất hiện những loại thiệp giấy như thế này. Một phần nhờ có nó mà các vị khách du lịch nước ngoài mới biết thêm nhiều địa danh của Sài Gòn, thành món quà địa phương mà họ rất thích mua để tặng người thân.
Giờ đây trên khắp các con đường chính ở Sài Gòn, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp những bình "Trà đá thơm ngon miễn phí" như thế này. Mặc dù đây chỉ là những thùng nước rất bé và nhỏ, nhưng ý nghĩa và giá trị của sự san sẻ, đồng cảm mà người Sài Gòn dành cho nhau là vô bờ.
Một trong những thứ bạn có thể nhìn thấy trên bất cứ con đường lớn bé của Sài Gòn đó chính là những hàng bánh mì nhỏ như thế này. Bé và bình dận vậy thôi chứ đó chính là "lò" để cho ra những ổ bánh mì thịt, chả ngon nổi tiếng của Sài Gòn đấy.
Source : kenh14[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét