Theo nhận định của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay số dân Việt Nam có dấu hiệu tâm thần chiếm khoảng 10% dân số. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ còn tăng lên.
Con số vẫn khiêm tốn
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, số liệu 10% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần (tức cứ 10 người thì có 1 người có dấu hiệu tâm thần) vẫn ít so với con số của Viện đưa ra.
Ông lý giải, theo nghiên cứu của Viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ người có dấu hiệu rối loạn tâm thần trong những năm 2002 tại Việt Nam đã chiếm khoảng 20% dân số. Trong khi đó, quy mô nghiên cứu của Viện còn khiêm tốn nên con số này vẫn chưa phải là con số chuẩn.
Bác sĩ La Đức Cương cho biết, kết luận của Viện Tâm thần Trung ương công bố thông qua khảo sát trên 8 vùng sinh thái của cả nước.
Tuy nhiên, ở Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp. Chẳng hạn ở Mỹ, Pháp, số người có dấu hiệu rối loạn tâm thần đều trên 50%. Các nước này nghiên cứu các dấu hiệu tâm thần trong một đời người, còn ở Việt Nam chỉ nghiên cứu tại một thời điểm nhất định.
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho rằng, đa số người Việt Nam đọc thông tin này đều nghĩ rằng, cứ 10 người Việt Nam thì có 1 người bị "điên" và phì cười vì điều này phi thực tế. Đại đa số người dân, khi nói đến tâm thần, người ta nghĩ ngay đến bệnh ở trạng thái tiêu cực, không mấy ai nghĩ đến tích cực.
“Nói đến bệnh tâm thần người ta nghĩ ngay đến những người bị điên, những người thường la hét, nói lảm nhảm, cười vu vơ, giắt hoa lá lên đầu, tay nhặt lá chân đá ống bơ. Đây là quan niệm sai lầm”, ông La Đức Cương nói.
Theo ông, chuyên ngành tâm thần dùng thuật ngữ "tâm thần" cho cả 2 trạng thái: bệnh tật (tiêu cực) và khỏe mạnh (tích cực).
Sức khỏe tâm thần một phần song hành với sức khỏe con người, còn bệnh tâm thần chỉ trạng thái không còn bình thường về sức khỏe tâm thần, cần sự chăm sóc y tế. Do đó, những rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện sẽ phát triển thành bệnh tâm thần.
Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương cho biết, triệu chứng mắc bệnh tâm thần rất đa dạng, từ mất ngủ, suy nhược thần kinh đến loạn thần.
Ngoài những ca tâm thần bẩm sinh (bại não, động kinh), còn có những ca rối loạn tâm thần vì cú sốc tâm lý. Những ca này nếu được can thiệp sớm có thể phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, dấu hiệu báo trước của một số bệnh tâm thần có thể kể đến như: buồn rầu, bi quan, mất tự tin, cảm thấy bất lực trước công việc hàng ngày, mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ, lo âu, bồn chồn đứng ngồi không yên, không chú ý đến vệ sinh cá nhân, từ chối ăn uống.
Ngoài ra, những người cảm xúc không ổn định, khóc cười vô duyên cớ, nói lẩm bẩm một mình, cười một mình, ngại tiếp xúc với mọi người, ngồi một mình trong phòng kín, đập phá đồ đạc hoặc tấn công người khác mà không rõ nguyên nhân, hốt hoảng khi phải đi ra ngoài một mình hoặc không dám đi ra ngoài một mình... cũng báo hiệu biểu hiện tâm thần.
Bên cạnh đó, người thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ có thể giống với thực tế hay không giống với thực tế mà người khác không nhìn thấy cũng có dấu hiệu tâm thần.
Đặc biệt, người có ý nghĩ kỳ lạ, bất thường và có ý định và hành vi tự sát mà không phải do bế tắc trước cuộc sống cũng có dấu hiệu tâm thần.
Thanh thiếu niên dễ mắc tâm thần
TS.BS. Vương Văn Tịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, những người có biểu hiện rối loạn tâm thần tại Việt Nam chủ yếu rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên, nhân cách chưa ổn định. Độ tuổi này thường có những thay đổi tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc.
Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh tâm thần sẽ tăng ở những gia đình vốn ít dành thời gian để chia sẻ những khó khăn cùng nhau. Và nếu lo lắng, căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến những rối loạn chuyển hóa và suy nhược cơ thể. Với những người đã mắc bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tim mạch, khi gặp thêm cú sốc người thân bị bệnh thì bệnh của họ sẽ nặng hơn.
“Hầu hết người Việt bị rối loạn thần kinh do áp lực xã hội trong lao động, cuộc sống, bạo lực gia đình, không thỏa mãn tình dục... Những người này bị áp lực quá lớn gây tổn thương tâm thần và không ổn định về thần kinh”, TS.BS. Vương Văn Tịnh cho hay.
Đặc biệt, trong xã hội có rất nhiều người bị rối loạn tâm thần mà gia đình không nhận thấy. Hơn nữa, tâm lý giấu bệnh tâm thần ở các gia đình vẫn rất phổ biến. Nhiều gia đình giấu bệnh không muốn nói con em họ bị rối loạn tâm thần vì lo xã hội kỳ thị.
“Họ không nói con họ bị tâm thần vì sợ mang tiếng, không ai lấy, không xin được việc. Nhiều gia đình không đưa vào viện, tự điều trị ở nhà, trừ những trường hợp quá nặng và dễ nhận thấy. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ con số 10% người Việt bị rối loạn tâm thần còn ít”, bác sĩ Vương Văn Tịnh nói.
- Thái độ tích cực với bản thân, hiểu được giá trị đích thực của mình.
- Có khả năng làm việc và trao đổi kinh nghiệm với người khác
- Giữ được điều hòa của cảm xúc, phản ứng đúng mức trước các sự kiện
- Có khả năng tự chủ, tự quyết định công việc mình làm
- Có khả năng hiểu biết những gì đã xảy ra trong thực tế
- Có khả năng tạo được mối quan hệ tốt với mọi người, trong gia đình, xã hội.
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét