Thưa ông, hiện có quy định ĐBQH chỉ được phép vắng mặt tối thiểu bao nhiêu buổi/kỳ?
- Chưa có quy định nào như vậy cả, chỉ có quy định trong kỳ họp ĐB không được vắng mặt. Nhưng ĐB kiêm nhiệm có việc bất khả kháng thì phải chịu. Ví dụ như một số đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành đi công tác nước ngoài chẳng hạn, hay ốm đau thì vắng mặt là điều bất khả kháng. Nhưng ĐB phải cố gắng thu xếp công việc ở cơ quan, đơn vị mình để dự họp đủ nhất có thể.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Hàng ngày Văn phòng Quốc hội có thống kê số ĐB vắng mặt và lý do vắng mặt không, thưa ông?
- Trách nhiệm này chúng tôi giao cho Ban Công tác đại biểu. Ban này có nhiệm vụ điểm danh, theo dõi các ĐB trong từng phiên họp.
Không chỉ ở hội trường, trong các phiên họp tổ rất nhiều ĐB vắng mặt. Có đoàn thảo luận chỉ hơn 1 giờ đã nghỉ. Ông nghĩ sao?
- Tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các phóng viên.
Có những phiên họp trên hội trường, đặc biệt là những phiên phải biểu quyết thông qua các dự luật, nghị quyết, nhưng số lượng ĐB vắng nhiều khiến chính chủ tọa cũng bất bình. Theo ông, cần có biện pháp nào để ĐB tham dự đông đủ, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ mà nhân dân đã giao phó cho mình?
- Đoàn thư ký đã có công văn gửi các trưởng đoàn đề nghị các đồng chí đó nhắc nhở các ĐB trong đoàn mình, nhất là những buổi họp cuối khi phải biểu quyết thông qua các dự luật, nghị quyết… Chúng tôi đã đề nghị các ĐB cố gắng bố trí sắp xếp công việc để tham dự cho đủ.
Có những phiên, tỷ lệ bấm nút còn cao hơn số ĐB có mặt và chủ tọa có nhắc đến việc bấm nút điểm danh hộ...
- Đây mới là suy luận thôi. Có phải các ĐB bấm nút hộ nhau không thì không biết, có đúng số ĐB không thì cũng không biết vì tôi không đếm. Nhưng nếu bấm hộ thì có thể thấy ngay vì khoảng cách chỗ ngồi giữa các ĐB là rất xa nhau. Tuy nhiên, với trang thiết bị như hiện nay không loại trừ khả năng ĐB có thể bấm hộ cho nhau được.
Sắp tới Quốc hội có áp dụng biện pháp gì để việc kiểm tra, kiểm soát sự có mặt của các ĐB được chặt chẽ và dễ dàng hơn?
- Theo thiết kế thì sắp tới sẽ có thêm thẻ cắm thông minh, khi cắm thẻ đó thì tất cả các hệ thống máy tính, điện, nút bấm mới hoạt động và từ đó ĐB có thể điểm danh luôn.
Tại kỳ họp này thì hệ thống này chưa xong, phải đến kỳ sau mới có thể sử dụng hệ thống này. Có thẻ này các hệ thống, thiết bị trên bàn mới hoạt động đồng thời, giúp Quốc hội giám sát sự có mặt của các ĐB trong mỗi phiên họp. Có thẻ thì ĐB không thể bấm hộ được, bởi mỗi ĐB chỉ có một thẻ, có tên, tuổi riêng.
Xin cảm ơn ông!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét