Tổng cục Thống kê ngày 24.11 đã công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10, song vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Với mức giảm này, CPI trong 11 tháng qua chỉ còn tăng 2,08% (so với tháng 12.2013) và CPI bình quân 11 tháng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Buồn nhiều hơn vui
Thông thường, tháng 11 hàng năm là thời điểm giá cả bắt đầu tăng song tháng 11 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã giảm. Theo các chuyên gia, đây được xem là việc giảm trái quy luật. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tổng hợp tính vào CPI đã có 4 nhóm chỉ số giá giảm, đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74%, giao thông giảm 2,75%, bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc- Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh 2 đợt giảm giá vào ngày 23.10 và 7.11, nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm khá mạnh và đóng góp 0,24% vào mức giảm chung của CPI.
Khuyến mãi tại các cửa hàng, siêu thị rất rầm rộ nhưng sức mua vẫn thấp (ảnh minh họa). Ảnh: Mạc Li
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, CPI giảm trong tháng 11 là do sức mua của người dân quá yếu. Cụ thể, theo ông Phú, sức mua của người dân Hà Nội, theo thống kê của thành phố đến thời điểm này mới tăng chỉ bằng một nửa so với cả năm trước. Riêng tháng 11.2014, Cục Thống kê TP.Hà Nội cho biết, CPI giảm 0,3% so với tháng trước. “Thông thường, tháng 11 hàng năm là thời điểm giá cả bắt đầu tăng, nên việc CPI giảm là trái quy luật và buồn nhiều hơn vui” - ông Phú nói. Bởi theo ông Phú, thông thường tháng 11 đã vào dịp mua sắm cuối năm song nhu cầu mua sắm của người dân chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Sức mua kém dự báo sẽ còn kéo dài đến tận dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận định: Một bộ phận đời sống người lao động hiện nay vẫn còn rất khó khăn khiến họ phải chắc bóp chi tiêu. Tỷ lệ người thất nghiệp vẫn tăng nên không thể đẩy sức mua lên được. Thực tế là giá cả hầu hết các loại hàng hóa không lên, cũng không xuống. Người dân đã quá oải với giá cả hàng hóa, ví dụ giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá nhiều hàng hóa cứ đứng yên.
“Đa số người dân khó khăn”
Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, CPI giảm ngoài tín hiệu tích cực từ thị trường còn có lý do là tổng cầu của ta vẫn quá yếu. Tín dụng ngân hàng hiện vẫn chưa hấp thụ được đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa thể phục hồi được sản xuất và cải thiện được hàng hóa bán ra. Cũng do sức mua của dân yếu nên nhiều mặt hàng hiện chưa hồi phục. Ông Vũ Vinh Phú cũng cảnh báo, những con số trên cho thấy dấu hiệu của vấn đề đình trệ sản xuất và lưu thông phân phối, dấu hiệu của giảm phát. Bởi vì sức mua yếu trong 11 tháng vừa qua, chỉ tăng 5% so với thời kỳ mạnh mẽ có thể lên đến 10-12%.
“Mặc dù có người nói chỉ số giá đã được kìm lại nhưng thực chất là sức mua giảm, khuyến mãi tại các siêu thị rầm rộ nhưng sức mua vẫn thấp do đa số người dân vẫn khó khăn”- ông Phú cho biết.
Cũng theo các chuyên gia, dù CPI đã ổn định và giảm gần đây song thị trường trong nước vẫn “rối bời và chưa có sự quản lý sát sao”. Bằng chứng rõ nhất là giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải không giảm nhiều, giá hàng hóa thiết yếu không giảm hoặc tăng nhanh, giảm chậm hoặc không tăng, hệ thống phân phối qua nhiều khâu trung gian, hàng giả hàng nhái tung hoành, người tiêu dùng nghèo đang bị yếu thế, không được bảo vệ…
Các chuyên gia cảnh báo, CPI tháng tới và giáp tết vẫn không thể xem thường. Bởi cuối năm, nhu cầu tăng tín dụng, tỷ giá, doanh nghiệp chuẩn bị hàng tết… sẽ khiến giá cả biến động. Nếu không có sự quản lý tốt thì giá cả sẽ đánh vào túi tiền của người nghèo và sức mua yếu sẽ lại càng yếu thêm…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét