Thời gian vừa rồi, trào lưu Book Bucket Challenge được facebooker Việt cực kỳ thích thú. Có nhiều phiên bản của trò chơi này, nhưng được nhiều người sử dụng hơn cả là thử thách bắt người đọc phải liệt kê những cuốn sách mình từng đọc và ấn tượng sâu sắc. Sau khi nhận được nhiều sự ủng hộ, đã có khá nhiều "cuộc khẩu chiến" được châm ngòi qua các challenge, đặc biệt là ý kiến về truyện ngôn tình đang chiếm nhiều ưu thế trong tủ sách Việt Nam.
Truyện ngôn tình đã du nhập vào Việt Nam được một thời gian và có chỗ đứng trong lòng nhiều độc giả trẻ. Nhưng nó vẫn thường bị chê là khiến lớp trẻ "mụ mị" vì nhiều thứ tình yêu hay các nhân vật chính ảo tưởng mà chỉ có trong truyện.
Ngày hôm nay, một độc giả đã gửi về cho chúng tôi một bức thư để nêu rõ quan điểm về vấn đề này.
---
Chào ban biên tập
Hồi lâu rồi, cũng phải cách đây vài năm, tôi có đọc một quyển truyện ngôn tình. Đại loại là về mẹ chồng, nàng dâu gì đó của Trung Quốc, diễn biến rất ly kỳ, mất trí nhớ rồi bệnh nặng, rồi một chàng nhà giàu cực xịn xuất hiện, kiên nhẫn yêu nàng và kết thúc là hai người bên nhau thì phải. Tôi đã đọc hết cái truyện đấy trong khoảng 3 tiếng, rất kiên nhẫn nhai nuốt rệu rạo cái thứ văn chương cộc lốc, nhạt nhòa đấy chỉ để xem cái kết thúc nó như thế nào. Kể từ đó, tôi không bao giờ đụng vào một quyển ngôn tình nào nữa. Một lần là quá đủ để tôi hiểu về giá trị của những cuốn truyện như thế này.
Bẵng đi một thời gian, một lần đi mua sách, vào nhà sách quen thì phát hiện ra các kệ sách đã được sắp xếp lại. Chỗ kệ sách tôi hay tìm đến được thay bằng một kệ sách lớn đầy ắp truyện ngôn tình Trung Quốc. Ấn tượng xấu về lần đọc trước khiến tôi ghét cái kệ sách này ngay, nhưng cũng không thể phủ nhận được là có rất nhiều bạn nữ đang quây quanh kệ sách đấy. Có một chút tò mò xuất hiện, bởi nhiều người đọc như vậy, ắt hẳn chúng phải có gì đó đặc biệt, và biết đâu cái truyện tôi đọc ngày trước là truyện tệ nhất trong các loại truyện ngôn tình thì sao? Tôi không muốn hiểu lầm ngôn tình, thế nên thử cầm vài quyển lên đọc qua. Và quả thực là tôi và ngôn tình chẳng thể hiểu nhầm gì nhau được nữa, mọi thứ đã rõ rành rành như ban ngày, tôi không thể nuốt nổi ngôn tình, mấy năm trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy và chắc chắn sau này cũng vậy.
1. Từ sự nghèo nàn trong những cuốn sách
Những năm gần đây, không khó để ra hiệu sách và mua về cho mình một túi đầy ắp chục quyển ngôn tình đủ thể loại. Những thuật ngữ như đam mỹ, nữ truy nam, võng du,...vv... đã dần trở nên quen thuộc. Ngôn tình đã thực sự trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu với các bạn trẻ, đặc biệt là phái nữ. Nhưng, món ăn thì cần mà không phải món nào cũng bổ, vậy ngôn tình có thực sự là một món ăn bổ dưỡng cho người trẻ hay không, đó là điều tất cả chúng ta phải xem xét lại.
Lật qua vài quyển ngôn tình, tôi dễ dàng thấy những nội dung na ná, lặp lại nhau một cách cực kỳ nhàm chán. Quanh đi quẩn lại chỉ là chuyện tình yêu “thâm sâu”, “thấu trời thấu đất” của một cặp uyên ương bất hạnh nào đó mà chàng là đấng quân tử trong mơ có tiền, có quyền lại chung thủy, si tình, còn nàng là một cô gái luộm thuộm, ngờ nghệch nhưng tính hay mỗi tội nhà nghèo. Cả hai, tất nhiên đã trải qua vô số những tình huống éo le, khủng khiếp (mà chủ yếu là do nàng dốt quá), nhưng cuối cùng (tất nhiên), cả hai vẫn đến với nhau với một kết thúc ngọt ngào như truyện cổ, hoặc không thì cũng phải là tấn bi kịch chẳng thua gì mấy bộ phim Hàn từng làm điên đảo màn ảnh nhỏ. Tất cả làm nên một món ăn nhạt nhẽo, được xào đi xào lại đến nát bấy nhưng vẫn cứ được đóng lại, bán ra cho cả trăm nghìn bạn đọc trẻ.
Nhưng cái đáng sợ nhất của ngôn tình không hẳn là cốt truyện nhạt nhẽo, rập khuôn, mà ấy là cách hành văn đặc trưng của các tác giả ngôn tình. Dễ thấy đó là những câu văn dài và thật sướt mướt, chỉ thích hợp chỉ để trích lên một hai câu treo status trên Facebook. Chúng mang tới cho tôi một cảm giác mệt mỏi vì mê cung những câu chữ hoa mỹ được gieo vào một cách tùy tiện, vô duyên trên các trang sách. Điều tôi sợ nhất ở ngôn tình chính là khi đọc xong kiểu truyện ấy, trong đầu bạn sẽ bị văng vẳng cái giọng văn ấy, giống như một bài hit khó chịu cứ vang trong đầu chỉ vì nó quá nhạt nhẽo và dễ nhớ. Thậm chí, ngôn tình Trung Quốc còn dở hơn cả thứ ngôn tình kiểu Mỹ "50 sắc thái", bởi tôi thà đọc "50 sắc thái" với câu văn cụt lủn nhàm chán, còn hơn đọc cả nghìn trang truyện ngôn tình sướt mướt ủ ê.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: Một món ăn có còn là một thứ bạn cần nếu chúng không bổ dưỡng cho chính bạn?
2. Cho đến sự xâm lấn tâm hồn của ngôn tình
Tôi rất thích Orhan Pamuk, trong một tác phẩm của mình, ông viết: “Đọc sách với tôi là nỗ lực chính yếu để biến mình thành một cái gì đó, nâng cao nhận thức, và qua đó định hình tâm hồn. Tôi phải trở thành người như thế nào? Thế giới có nghĩa lý gì? Tư tưởng của tôi có thể vươn xa tới đâu, những mối quan tâm của tôi, những giấc mơ của tôi, những vùng đất tôi có thể nhìn thấy bằng tuệ nhãn”.
Sách ngôn tình hoàn toàn không mang lại những điều đó cho tôi, và có lẽ là cho nhiều người trẻ khác. Nâng cao nhận thức? Tôi không nghĩ vậy đâu, cứ nhìn cách đối đáp vô duyên của các nữ chính với nam chính thì biết, họ gọi thế là cá tính và độc đáo cơ đấy. Tôi phải trở thành người như thế nào? Có lẽ ngôn tình có ích khi cho tôi biết tôi nhất quyết không được trở thành những nữ chính nhạt nhẽo với khả năng làm hỏng việc lên đến dương vô cùng. Thế giới có nghĩa lý gì? Tôi cũng không hiểu điều này trong ngôn tình nữa, có lẽ thế giới là một chốn hiểm ác với toàn những kẻ mưu mô quỷ quyệt đến khó hiểu chỉ vì những lý do chẳng thể dở hơi hơn.
Ngôn tình - không gì khác chính là một giấc mơ ngọt ngào nhưng không kém phần đáng lo ngại. Chúng phát hiện ra những khát khao ẩn sâu của phái nữ, len lỏi vào, tìm cách đồng cảm và thâu tóm tâm hồn của họ. Chúng vẽ ra một viễn cảnh tuyệt đẹp về tình yêu, nhưng không hề cảnh báo người đọc rằng đó chỉ là tưởng tượng. Các cô gái bám víu vào đó như một thứ phao cứu sinh kéo họ ra khỏi hiện thực, và phần nào cái phao đấy đã làm được, nhưng chúng thậm chí còn kéo họ xa hơn nữa, khiến đôi lúc nhiều người còn chẳng thể phân biệt được thực tại ở chỗ nào.
Nhưng tệ hơn, ngôn tình làm nghèo nàn trí tưởng tượng và sự phong phú về ngôn từ, cũng như cách nhìn nhận cuộc sống của người đọc. Nếu được đặt trong bối cảnh ngôn tình, hẳn Anna Karenina sẽ biến thành một quý bà tuyệt sắc nhưng dại dột, lao vào đầu xe lửa quyên sinh vì tình, chứ chẳng ai có thể suy ra được tấn bi kịch của người phụ nữ bị kìm kẹp thời phong kiến. Cũng đặt trong bối cảnh ngôn tình, hẳn Elizabeth Bennett sẽ chẳng gì hơn ngoài một đứa con gái lắm điều, nói chuyện lấc cấc, vô duyên, chứ không phải nàng Lizzie diễm lệ, sắc sảo và đầy phức tạp. Đọc ngôn tình, tất cả những gì ta thấy chỉ là những câu chuyện tình yêu đều đều, được lồng đầy thứ cảm xúc ủy mị, chứ chẳng hề được trải nghiệm những câu chuyện phi thường với những lát cắt đầy ẩn ý trong cuộc sống. Là ngôn tình, chứ chẳng phải truyện tranh - là con sâu đục khoét tâm hồn của người trẻ.
3. Kết
Tất nhiên, bạn được quyền lựa chọn ngôn tình như một món ăn vặt, vui nhộn để giải trí sau những rắc rối mệt nhoài của cuộc sống. Sẽ chẳng có ai đánh giá bạn khi bạn cầm trên tay cuốn sách ngôn tình, bởi sự lựa chọn để giải trí và đắm chìm là ở bạn. Tuy nhiên, hãy cân nhắc về những giá trị mình nhận lại được từ ngôn tình và đặt cho mình câu hỏi: “Liệu rằng chúng có đáng để bạn dành nhiều thời gian đến vậy hay không?”. Và nếu được khuyên chân thành, có lẽ tôi sẽ nói với các bạn một câu ngắn gọn thôi: "Gấp truyện ngôn tình lại và bước ra khỏi giấc mơ đi!"
Source : kenh14[dot]vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét