Sự việc này lại một lần nữa dấy lên nỗi hoang mang trong dư luận về nạn buôn bán nội tạng người. Để chứng thực câu chuyện, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm về địa phương tìm hiểu.
Ngôi nhà của gia đình D. luôn đóng kín cửa sau khi sự việc xảy ra
Lời kể kinh hoàng
Theo lời D. kể lại với mọi người trong thôn thì tối 10/8/2014, cô đi bộ ra đường quốc lộ 14 mua thuốc đau đầu. Vừa ra đến đầu đường, D. gặp một chiếc xe ô tô có hình dáng giống xe cứu thương ghé lại hỏi thăm vào thành phố. D. vừa đứng lại chỉ đường thì bị hai người đàn ông nhảy xuống, bắt cóc lên xe chở đi mặc cho cô sợ hãi van xin. Thấy cô gái phản ứng quá dữ dội, nhóm bắt cóc đã bịt miệng và đe dọa sẽ giết chết nếu D. không nằm im. D. khóc lóc xin được thả về nhưng một người đàn ông lạnh lùng nói: “Sẽ mổ lấy nội tạng, sau đó mới thả về”.
Nghe xong, D. đã sợ hãi đến ngất xỉu. Một lúc sau tỉnh lại, lợi dụng lúc nhóm người trên xe không chú ý, D. rút điện thoại nhắn tin cầu cứu người yêu. Phát hiện nạn nhân nhắn tin cầu cứu, nhóm bắt cóc đã giật lấy điện thoại rồi tiếp tục nhắn cho bạn trai D. một tin nhắn với nội dung: “Tao chỉ xin nó quả thận thôi”. Đến gần sáng, chiếc xe bắt cóc D. dừng lại ở một rừng thông bên đường. D. nhìn ra phía sau xe thì thấy một người đang nằm bất động, toàn thân được phủ bởi một tấm vải trắng, bên cạnh là cuốc, xẻng và nhiều vật dụng khác.
Một người đàn ông cùng tài xế bước xuống rồi mở cửa phía sau để đưa người đàn ông nằm bất động kia xuống. Lúc này thấy cửa xe để hở nên D. liền mở cửa bỏ chạy thật nhanh về phía có điện sáng. Phát hiện D. bỏ trốn, nhóm người trên liền đuổi theo nhưng chạy được một đoạn thì họ quay lại và lên xe bỏ đi. Do quá sợ hãi, D. cứ thế nhằm hướng trung tâm thành phố chạy miết, khi đến Bưu điện tỉnh Gia Lai thì trời cũng vừa sáng rõ. Sau đó, cô mượn điện thoại của một người dân đi tập thể dục buổi sáng để gọi điện cho người yêu đến đón về. Khoảng 10h sáng ngày 11/8, gia đình D. cùng công an xã và huyện lên thành phố đón con gái.
Ông Lê Văn T - cha nạn nhân (Ảnh: Thiên Thư).
Những tình tiết “không tưởng”
Sẽ chỉ đạo làm rõ động cơ dựng lên vụ bắt cóc Trả lời báo chí, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng Công an huyện Đắk Đoa cũng khẳng định: “Không hề có việc bắt cóc xảy ra trên địa bàn. Sự việc đã làm chúng tôi vất vả cả đêm để truy tìm, huy động cả đội điều tra hình sự vào cuộc”. Thượng tá Sơn cho biết thêm, trường hợp này là do D. bị thần kinh hoang tưởng nên lang thang lên phố, ngủ lại ở quảng trường rồi tưởng tượng bị bắt cóc. Cơ quan công an cũng đã khuyên gia đình nên đưa D. đi khám. Thượng tá Sơn khẳng định, thông tin bị bắt cóc lấy thận là không có thật. Sự việc đã gây ảnh hưởng xấu, hoang mang cho dư luận nên “sẽ chỉ đạo làm rõ”. |
Quá trình xác minh sự việc tại thôn Cầu Vàng (xã K’Dang, huyện Đak Đoa, Gia Lai), chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với gia đình cô gái được cho là nạn nhân của âm mưu bắt cóc người lấy nội tạng. Tuy nhiên khi chúng tôi tìm đến, gia đình nạn đã kiên quyết từ chối tiếp chuyện. Một số người hàng xóm cho biết: “Những ngày qua, D. không ra khỏi nhà. Gia đình cô cũng hạn chế tiếp xúc, ngay cả với người thân, họ hàng”. Những người hàng xóm của gia đình D. cũng khẳng định: “Có nghe phong thanh chuyện cô hàng xóm suýt bị bắt cóc lấy thận. Tuy nhiên thực hư sự việc thế nào thì đến nay chưa rõ”.
Thấy chúng tôi hỏi chuyện người hàng xóm, mẹ D. bước ra tỏ thái độ bực tức: “Chuyện gia đình nhà người ta, ông không được nói gì đâu đấy!” rồi đóng cổng lại kèm theo những lời xua đuổi khá gay gắt. Theo nhiều người dân nơi đây thì cuộc sống của gia đình D. khá “bí ẩn” vì họ ít khi trò chuyện với hàng xóm láng giềng. Khi câu chuyện này xảy ra, mọi người có nghe thông tin tìm tới hỏi thăm nhưng cha mẹ D. nhất quyết không tiếp chuyện. Vì thế, không mấy người biết được thực hư vụ việc như thế nào. Ngay cả việc gia đình trình báo công an và rồng rắn kéo nhau lên thành phố đón con gái về, bà con cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi nghe thông tin từ một vài người được D. kể chuyện thì họ mới lờ mờ đoán ra sự việc.
Để tìm hiểu thực hư vụ việc, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Đặng Ngọc Dũng, Trưởng thôn Cầu Vàng. Ông Dũng cũng bày tỏ những nghi vấn của mình liên quan tới vụ việc này: “Nếu đây là sự thật thì tại sao trong đêm tối bị truy đuổi, một cô gái lại có thể chạy khỏe hơn một người đàn ông, trong khi vẫn giữ được đôi dép trên chân. Một tình tiết hết sức vô lý trong lời kể của D., đó là thời điểm cô bị bắt cóc vào khoảng 19h tối. Khi đó, Quốc lộ 14 rất đông người và xe qua lại, không thể có chuyện một cô gái đi xe bị bắt cóc giữa đường mà lại không kêu cứu và người đi đường lại không biết chuyện được.
Một tình tiết vô lý nữa là quãng đường từ nhà D. lên TP. Pleiku chưa tới 40km, không thể có chuyện đi từ 19h tối đến gần sáng hôm sau mà chưa tới nơi. Để rồi sau đó, D. phải chạy một quãng đường dài mới vào được trung tâm thành phố để cầu cứu sự giúp đỡ. Trong khi đó, từ chỗ D. bị bắt cóc trên quốc lộ 14 đến TP. Pleiku chỉ có một con đường duy nhất, liệu những kẻ bắt cóc có dễ dàng để cho một cô gái chân yếu tay mềm chạy bộ mà thoát được và rồi đành bất lực quay đi như vậy hay không? Cùng với đó, từ khi D. nhắn tin cầu cứu người yêu và đến sáng hôm sau điện thoại về gia đình thì vì sao đến hơn 10h trưa ngày 11/8/2014, gia đình D. mới đến nơi để đón con gái về. Trong khi, quãng đường từ nhà đến Bưu điện tỉnh Gia Lai chỉ đi hơn 30 phút là tới nơi và người thân trong gia đình đang rất lo lắng cho đứa con gái của mình”.
Ông Dũng cho biết thêm, D. là con thứ trong một gia đình. Cô trước nay là người năng nổ hoạt bát, thường tham gia nhiều phong trào của địa phương và hiện đang tham gia Chi hội phụ nữ thôn Cầu Vàng. Mặc dù sinh năm 1991 nhưng D. đã có hơn 2 năm làm tốt vai trò này nên vẫn tiếp tục được bổ nhiệm.
Con đường từ nhà D. ra quốc lộ
Nói về vụ việc này, một người dân trong thôn Cầu Vàng bày tỏ nghi ngờ: “Câu chuyện có nhiều điều không thực tế. Nạn nhân bị bắt cóc mà không bị trói chân, tay. Nếu là kẻ biết về ngành y thì chắc chắn là chỉ cần tiêm cho liều thuốc ngủ là nạn nhân sẽ ngủ đến khi mất 2 quả thận cũng chưa tỉnh. Đặc biệt nếu kẻ bắt cóc muốn giấu tung tích sẽ không bao giờ nhắn tin lại: “Tao chỉ xin nó quả thận thôi!” một cách ngây ngô như thế. Khi cơ quan công an đến nơi D. thấy xác người trùm khăn trắng thì cũng chẳng có dấu vết gì”.
Với những tình tiết vô lý trên, người dân địa phương cho rằng đây chỉ là câu chuyện “hoang tưởng” do chính D. thêu dệt nên. Trong khi đó, một người hàng xóm thuật lại lời kể của ông Lê Văn T. (bố D. - PV) sau khi sự việc xảy ra như sau: “Từ khi sự việc xảy ra đến nay, đêm nào D. cũng nằm mơ thấy ác mộng và la hét. Hôm ấy do trời tối và tâm lí hoảng sợ nên cô không nhìn thấy biển số xe và hình dáng của bọn bắt cóc như thế nào. Sự việc xảy ra như thế này là điều không ai mong muốn và cũng chẳng ai rảnh rỗi để dựng lên sự việc như vậy. Tuy nhiên dư luận không tin vào sự thật này nên không ngớt lời bàn tán. Điều gia đình quan tâm lúc này là D. đã được an toàn trở về. Còn sự thật như thế nào thì thời gian sẽ chứng minh”.
Về vụ việc này, ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Công an xã K’Dang, cho biết: Khoảng 10h tối 10/8, công an xã nhận được thông tin Lê Thị D. bị bắt cóc và báo cáo nhanh Công an huyện Đắk Đoa về vụ việc. Lực lượng công an xã, huyện tổ chức tìm cả đêm nhưng không thấy. Đến khoảng 9h sáng 11/8, nghe người nhà báo lại D. đang ở thành phố nên công an xã đã phối hợp lên đón cô gái về. Lúc về nhà, D. vẫn bình thường, không có dấu hiệu bị xâm hại. Sau đó, D. đã khai báo sự việc tại cơ quan điều tra. Theo ông Tiến, lực lượng công an đã truy tìm chiếc xe ô tô theo miêu tả của D. nhưng thời điểm đó không ai thấy chiếc xe này, trong khi khu vực D. bị bắt cóc có rất nhiều quán cà phê. “Chúng tôi vẫn đang xác minh số điện thoại D. đã mượn gọi báo về nhà từ trên thành phố”, ông Tiến cho biết.
Người hoang tưởng thường không biết mình mắc bệnh Để xác minh rõ hơn về nghi vấn “nạn nhân” Lê Thị D. tự dựng chuyện bị bắt cóc do hoang tưởng, PV báo Gia Đình & Xã Hội Cuối Tuần đã tiếp tục tham vấn các bác sĩ, chuyên gia y tế am hiểu sâu về căn bệnh này. Qua những biểu hiện trong vụ án, các chuyên gia đều khẳng định cô gái có nhiều dấu hiệu bị mắc chứng bệnh hoang tưởng. Nói về bệnh hoang tưởng ảo giác, Đại tá - bác sĩ Nguyễn Văn Hường, Chủ nhiệm khoa nội tâm thần, Bệnh viện 175 (TP.HCM) cho biết, bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi 15-25, bất cứ ai cũng có thể mắc phải, tỉ lệ nam, nữ mắc bệnh như nhau. Tỉ lệ mắc bệnh là 1% ở mọi quốc gia. Nguyên nhân bệnh do những biến đổi, khiếm khuyết về rối loạn chuyển hóa của tế bào não, rối loạn chức năng hoạt động của não và chưa một xét nghiệm nào có thể phát hiện được. Khi mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn giấc ngủ (có khi không có rối loạn) như mất ngủ, khó ngủ, không ngủ, đảo giấc (ngày ngủ đêm thức); rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc. Ví dụ như cảm giác hai chiều vừa yêu vừa ghét hay cảm xúc trái ngược là người thân thì rất ghét, căm thù nhưng người dưng lại tin yêu; đi dự đám ma thì cười nhưng đi đám cưới lại khóc. Bệnh nhân còn có các triệu chứng điển hình như đi lang thang, nhặt rác, tích trữ các vật dụng bỏ đi, cười một mình; có dấu hiệu đáng quan tâm nhất mà bác sĩ thường ghi chẩn đoán là “ảo thanh bình phẩm”. Tức là bệnh nhân thường nghe có tiếng nói chuyện trong đầu, hoặc tiếng nói trong bụng phát ra. Có khi là tiếng nói xấu hoặc khen bệnh nhân, có khi phân tích, nhận xét những hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân. Thậm chí, tiếng nói đó ra lệnh, bắt bệnh nhân làm theo việc này việc khác. Trong đầu bệnh nhân lúc nào cũng có tiếng đó. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng ma nhập, người chết nhập vào, luôn có cảm giác bị theo dõi, bị hại, bị bắt, bị giết, bị bệnh. Có người lại có hoang tưởng phát minh, nghiên cứu sáng chế... Tuy nhiên bác sĩ Hường cho biết thực tế rất nhiều bệnh nhân tuy mắc bệnh hoang tưởng ảo giác nhưng nói năng lưu loát, trí nhớ tốt, thậm chí nhớ tốt hơn người bình thường. Do đó, họ luôn nghĩ mình không hề mắc bệnh. Hoang tưởng ảo giác có từng đợt, lúc có lúc không và đặc biệt có tính thu hẹp, thụ động trong hoạt động và suy nghĩ. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm dễ chẩn đoán nhầm. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào việc nói chuyện với bệnh nhân để họ bộc lộ ra, chứ không có xét nghiệm hay chẩn đoán cận lâm sàng nào có thể tìm ra bệnh. Về điều trị, bác sĩ Hường cho biết hiện nay có nhiều thuốc tốt và ít tác dụng phụ. Việc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt 5-7% số ca mắc bệnh. 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời. Nhưng trong số này nếu bệnh nhân được điều trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh. Yếu tố để bệnh nhân ổn định bệnh tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình. Gia Khang |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét