PV: Xin ông cho biết theo diễn biến vụ việc, Lý Nguyễn Chung sẽ phải đối diện với tội danh gì?
Luật sư Dương Kim Sơn |
LS. Dương Kim Sơn: Dựa theo diễn biến vụ việc Chung đến nhà chị Hoan để mua dầu gội đầu, khi thấy tiền trong tủ kính thì hắn đã nảy sinh ý định giết chị Hoan để cướp tài sản. Chung cố ý dùng dao đâm liên tiếp làm nạn nhân tử vong, sau đó lấy tiền và hai chiếc nhẫn của nạn nhân. Chuỗi hành vi liên tiếp này đủ yếu tố cấu thành hai tội phạm độc lập đó là “giết người” và “cướp tài sản”. Căn cứ vào khoản 1, điều 93 và khoản 4 điều 139 bộ luật hình sự thì hành vi phạm tội của Nguyễn Chung phạm tội “giết người” và tội “cướp tài sản”.
PV: Hung thủ gây án rồi bỏ trốn dẫn tới gây án oan 10 năm cho ông Nguyễn Thanh Chấn, có thể xem là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với Lý Nguyễn Chung hay không?
LS. Dương Kim Sơn: Theo điều 48 của Bộ luật hình sự Việt Nam quy định về các tình tiết tăng nặng thì không có quy định nào nói về hành vi hung thủ gây án rồi bỏ trốn để rồi gây oan án cho người khác. Vì vậy, hành vi bỏ trốn sau khi gây án của Lý Nguyễn Chung không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc gây án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn thuộc về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật chứ không phải do Lý Nguyễn Chung.
PV: Phải chăng một trong những nguyên nhân dẫn đến án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn bắt nguồn từ việc cơ quan điều tra đã bỏ lọt chi tiết sự “mất tích” khỏi địa phương một cách bí ẩn của Lý Nguyễn Chung sau thời điểm sau ra vụ án?
LS. Dương Kim Sơn: Theo tôi Lý Nguyễn Chung có trốn khỏi địa phương hay không, cũng sẽ không làm thay đổi việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố. Bởi lẽ cơ quan điều tra trước khi khởi tố bắt tạm giam đã có một quá trình điều tra sàng lọc các đối tượng có thể gây án. Hơn nữa sau khi khởi tố bắt tạm giam thì niềm tin nội tâm của cơ quan điều tra là ông Nguyễn Thanh Chấn là thủ phạm, do vậy bằng các nghiệp vụ hỏi cung ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận tội. Nên tôi không cho rằng việc Lý Nguyễn Chung bỏ trốn là nguyên nhân dẫn đến án oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Khi vụ án xảy ra Lý Nguyễn Chung mới 14 tuổi 8 tháng, nên việc đi khỏi địa phương của một đứa trẻ không làm cơ quan điều tra chú ý.
PV: Những nhân chứng biết được tội ác của hung thủ nhưng không tố giác đã phạm tội gì? Và, sau 10 năm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
LS. Dương Kim Sơn: Những nhân chứng biết được hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung có thể bị khởi tố theo điều 21: Che giấu tội phạm hoặc điều 22: Không tố giác tội phạm. Tuy nhiên do thời gian 10 năm tội phạm mới bị phát hiện nên theo khoản 2 điều 23 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội danh trên đã hết.
Việc gây án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn thuộc về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật chứ không phải do Lý Nguyễn Chung".
PV: Hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung có điểm nào giống và khác nhau so với Lê Văn Luyện?
LS. Dương Kim Sơn: Theo thông tin đã đưa, có thể so sánh hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung và Lê Văn Luyện cùng là hành vi cấu thành 2 tội là tội “giết người” và “cướp tài sản” theo điều 93 và điều 139 Bộ Luật Hình Sự. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Chung và Luyện là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Sau khi tội phạm xảy ra thì những người thân trong gia đình của Chung và Luyện đều đã có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm. Sau khi gây án, hung thủ của hai vụ án này đều tìm cách để lẩn trốn khỏi địa bàn cư trú, nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau: Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, hành vi giết người và cướp tài sản của Lê Văn Luyện có hậu quả nghiêm trọng hơn hành vi giết người và cướp tài sản của Lý Nguyễn Chung ở chỗ: Luyện giết chết 3 người trong gia đình nạn nhân, trong đó có một cháu nhỏ, lấy đi giá trị về tài sản khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong khi Lý Nguyễn Chung giết chết chị Hoan và lấy 59 nghìn đồng và 2 chiếc nhẫn đeo tay của nạn nhân.
Rõ ràng vụ án Lê Văn Luyện có thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều lần so với vụ án của Lý Nguyễn Chung mặc dù cả hai vụ án xảy ra đều vô cùng thương tâm. Lê Văn Luyện sau khi gây án mặc dù đã bỏ trốn khỏi địa bàn cư trú được một thời gian nhưng đã được cơ quan điều tra làm rõ, xác định hung thủ và tổ chức truy nã, bắt ngay sau đó. Ở vụ án của Lý Nguyễn Chung, hung thủ đã bỏ trốn khỏi địa bàn cư trú nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ nguyên nhân bỏ đi của Chung. Điều này đã làm lệch mũi điều tra, bỏ lọt tội phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự nhầm người dẫn đến án oan ròng rã suốt 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn. Sau 10 năm hung thủ mới ra đầu thú.
Trong vụ án Lê Văn Luyện người nhà đã bị khởi tố về tội che giấu tội phạm, nhưng trong vụ án của Lý Nguyễn Trung thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này đối với những người có hành vi che giấu tội phạm.
PV: So với Lê Văn Luyện, thì Lý Nguyễn Chung liệu sẽ phải chịu mức án giống hay khác?
LS. Dương Kim Sơn: Tuy Chung và Luyện đều chưa đến tuổi thành niên nhưng xét về độ tuổi thì Lý Nguyễn Chung tại thời điểm xảy ra vụ án mới hơn 14 tuổi. Đối chiếu với điều luật, nếu là người đã thành niên phạm tội thì bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là từ chung thân đến tử hình (giống như hình phạt đối với ông Nguyễn Thanh Chấn). Trường hợp của Lê Văn Luyện ở vào độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi nên mức hình phạt cao nhất là 18 năm, nhưng vì Chung dưới 16 tuổi nên tổng mức hình phạt cao nhất chỉ là 12 năm tù giam. Vì vậy, khung hình phạt của 2 đối tượng là hoàn toàn khác nhau do độ tuổi khác nhau, hậu quả, mức độ nghiêm trọng khác nhau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét