Đó là khẳng định của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trong bài phỏng vấn của báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 5/7. Ông Russel nói rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây căng thẳng cho khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Trung Quốc cần tuân thủ luật biển
Ông Russel phủ nhận việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Lý thuyết Mỹ sử dụng quyền lực siêu cường để “gây bất ổn” cho Trung Quốc không được thực tế chứng minh. Trái lại, không quốc gia hay cường quốc nào làm nhiều việc để tạo thuận lợi cho sự nổi lên thịnh vượng và ổn định của Trung Quốc hơn Mỹ. Ông dẫn chứng việc Trung Quốc gia nhập WTO, nhóm G-20 và hàng loạt sự kiện khác. Đổi lại, Mỹ yêu cầu khả năng trợ giúp thiết lập những quy tắc cho phép Trung Quốc phát triển và thịnh vượng; Trung Quốc phải chấp nhận những nguyên tắc và luật lệ ràng buộc cả những nước lớn mạnh và những quốc gia nhỏ yếu. “Đó là thông điệp của chúng tôi cho Trung Quốc đối với một số vấn đề và thách thức nổi lên trong khu vực”, ông Russel nhấn mạnh.
Ông Russel lấy ví dụ sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Mỹ không đứng về phía Việt Nam chống Trung Quốc hay về phía Trung Quốc chống Việt Nam. “Nhưng tất nhiên, chúng tôi đã liên tục kêu gọi các bên đòi hỏi chủ quyền cần làm rõ yêu sách của mình ở biển Đông và các nơi khác phải phù hợp với luật pháp quốc tế, vì chúng tôi cho rằng, sự mơ hồ về những yêu sách sẽ khơi mào sự hiểu lầm và đối đầu”, ông nói. Vị quan chức Mỹ cho đây là vấn đề mang tính phán xét.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Cho dù Trung Quốc có hay không có quyền hạ đặt giàn khoan, được hộ tống bởi nhiều tàu tuần duyên và cả một số tàu quân sự của hải quân Trung Quốc lượn lờ đằng xa, câu hỏi mà tất thảy chúng ta đặt ra là: Liệu đó có phải là ý tưởng tốt? Nó có gây ra vấn đề nhạy cảm nào không? Tại sao, trong giai đoạn rất căng thẳng ở khu vực khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng công khai tuyên bố cam kết về một môi trường hòa bình, liệu có cần thiết để Trung Quốc đột nhiên triển khai giàn khoan trong vùng biển mà người ta biết rõ Việt Nam xem đó là vùng đặc quyền kinh tế của mình? Gần khu vực mà người Việt Nam đã hoạt động suốt nhiều năm qua? Tại sao lại gây chuyện lúc này? Đó có phải một ý tưởng tốt?”.
Ông Russel nói: “Có gì là ngạc nhiên khi phản ứng của khu vực là gia tăng căng thẳng? Chúng tôi muốn Trung Quốc có quan hệ tốt với các nước láng giềng”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng giải thích thêm tuyên bố của Tổng thống Barack Obama về việc Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ sẽ được áp dụng đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không phải là một mối đe dọa. Ông Russel cũng hoan nghênh quyết định của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe về nới lỏng sự hạn chế tự vệ để thực hiện quyền tự vệ tập thể.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK ngày 6/7 đưa tin, phát biểu với báo giới trước thềm chuyến công du một số nước Thái Bình Dương, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng, cần có thêm những sửa đổi về mặt pháp lý để cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Ông Abe thông báo sẽ sớm bổ nhiệm một bộ trưởng đặc trách công việc này. Theo Thủ tướng Abe, cơ quan lập pháp cần xem xét các sự kiện thuộc “vùng xám” hay những sự xâm phạm không ngay lập tức được coi như hành động tấn công vũ trang, liên quan vấn đề thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Thủ tướng Abe nói rằng, quyết định sửa đổi nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Nhật Bản để bảo vệ mạng sống của người dân và cuộc sống của họ theo hiến pháp hiện hành. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ xem xét luật để chính thức mở rộng giới hạn thềm lục địa và mở rộng vùng đặc quyền tài nguyên biển theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Theo đó, Nhật Bản sẽ có thêm 310 km2 thuộc 4 khu vực ở Thái Bình Dương, gồm phía đông đảo Ogasawara, phía bắc đảo Okinotorishima và đảo cực nam Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tham vấn Mỹ về vấn đề này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét