Ngư dân chưa hào hứng
Trong số 5 tàu đầu tiên được chọn thí điểm khai thác cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản, riêng anh La Tình (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) có 4 tàu. “Quy trình đánh bắt quá cầu kỳ, mất thời gian trong khi giá chỉ cao hơn giá cũ 20%. Đi hai trăng rồi 4 tàu lỗ 400 triệu”, anh Tình kể.
Ngoài vấn đề đánh bắt trong mùa nước nóng hiếm cá, các thuyền viên nghỉ bỏ giữa chừng khi tham gia khai thác, thì việc đánh bắt bằng công nghệ Nhật cần đầu tư nhiều, kỹ thuật cầu kỳ, giảm số lượng nhưng giá cá lại không cao.
Anh Tình phân tích: Mỗi chuyến ra biển thường mất 20 ngày nhưng cá đạt chất lượng để chọn xuất khẩu chỉ cho phép ướp đá trong 10 ngày. Giá cá chỉ tăng thêm 20% (so với giá cũ ở những con đạt chất lượng tốt), cá không được chọn giá chỉ đạt 30 – 50 nghìn đồng/kg.
Nhẩm tính nếu một chuyến biển đi trong vòng 10 ngày phí tổn 80 triệu đồng. Nếu đạt 1 tấn cá cũng khó đạt 120 triệu đồng/chuyến. Chi phí cho bạn tàu đi nữa là âm.
Trong khi đánh bắt theo cách cũ, tàu anh Tình đi trong vòng 30 ngày thu được trung bình 2 tấn cá sẽ thu được 200 triệu đồng, phí tổn 100 triệu vẫn dư ra được 100 triệu đồng/chuyến.
Ngư dân Nguyễn Quê cho rằng, việc áp dụng khai thác cá ngừ theo công nghệ Nhật vẫn chưa giúp ngư dân tăng thu nhập. Nếu câu theo cách truyền thống chỉ mất 3 – 5 phút/ con. Cá kéo lên chỉ việc đập đầu cho cá chết rồi bỏ ngâm đá. Nhưng khi áp dụng công nghệ Nhật Bản thì quy trình phải mất rất nhiều thời gian, câu từ từ từng con một, sau khi kéo lên phải áp dụng các quy trình chọc não, mổ nội tạng, ngâm nước đá để nửa tiếng mới đưa xuống hầm đá.
Trong khi trang bị mỗi tàu chỉ 1 máy thu câu nên chỉ có thể câu từ từ từng con một dẫn đến số lượng ít. Chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới, anh Quê cải tạo lại thuyền, độ thêm một cần câu hai bên giúp tăng số lượng.
Kiểm tra chất lượng cá ngừ trước khi “lên máy bay” sang Nhật
Mở rộng bán lẻ sang Nhật
Theo bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty CP Thủy sản Bình Định BIDIFISCO, chuyến xuất khẩu đầu tiên mang tính thăm dò nên phía công ty đã chịu lỗ. Do chi phí vận chuyển lớn, chất lượng cá lại không cao đồng đều. Sở dĩ chất lượng cá chưa đảm bảo là do ngư dân vẫn chưa tuân thủ các quy trình. Cá đạt chất lượng phải đảm bảo các tiêu chí mắt sáng, mang đỏ, da láng bóng, cơ thịt cứng và có độ đàn hồi.
Chuyến đầu tiên chỉ có 9 con cá được chọn đưa đi xuất khẩu, trong đó chỉ có một con đạt giá cao nhất giá 2.100 Yên (tương đương 420.000 đồng). Chi phí để đưa cá ngừ sang đấu giá tại Nhật tương đối cao (trên 66,5 triệu đồng/chuyến), bao gồm chi phí vận chuyển hàng không hai chặng, chi phí lưu kho, vận chuyển.
Tuy nhiên, công ty dứt khoát không mua xô, tránh để ngư dân trở lại kiểu đánh bắt cũ, chỉ quan tâm đến số lượng, đồng thời yêu cầu ngư dân thực hiện đúng cam kết về quy trình, làm đúng bài bản để giá xuất khẩu cao đều.
Theo bà Lan, vấn đề vận chuyển cá vào bờ chậm khiến cá bị dồn trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến chất lượng cá. BIDIFISCO đang xây dựng bộ tiêu chuẩn phân loại cá theo loại (cá đạt tiêu chuẩn tươi sống Asusami; loại phi lê cao cấp; Phi lê trung bình và cá dạt) ứng với từng mức giá cụ thể. Việc vận chuyển hàng không Việt Nam – Nhật Bản trễ hơn so với giờ đấu giá 1 ngày khiến các chi phí phát sinh.
Đồng thời cần mở rộng thị trường bán lẻ tại Nhật Bản. Bà Lan cũng đề nghị ở những chuyến xuất khẩu tiếp theo cần dán nhãn mác, logo cá ngừ Bình Định để tạo dựng thương hiệu.
Ông Masakazu Shoga, chuyên gia về thủy sản của Kato Hitoshi General Office – đối tác của Bình Định, nhận định: Chất lượng cá ngừ đại dương của Việt Nam không hề thua kém, thậm chí hơn hẳn các nước khác nhập vào Nhật Bản.
Tại Nhật, giá cá ngừ trung bình 950 Yên/ kg, nhưng cá ngừ Việt Nam đã đạt 1.200 Yên. Vấn đề bất cập là cá mua xẻ ra bị cháy, thịt bở phát hiện sau khi mổ cá. Cá cháy ở nhiệt độ 42 độ trở lên. Nhiệt độ cá cao hơn nhiệt độ nước biển, nếu nhiệt độ nước biển 30 độ C thì nhiệt độ ở cá là 35 độ C.
Khi bị bắt, cá vùng vẫy khiến nhiệt độ cá có thể lên tới 50 - 60 độ C. Quan trọng nhất khi cá đã lên được rồi thì phải hạ nhiệt độ con cá xuống, đồng thời nghiên cứu tìm cách giảm chi phí vận chuyển. Phía Nhật sẽ cố gắng giúp đỡ mở rộng thị trường bán lẻ.
Với 5 tàu thí điểm, mỗi tàu chỉ trang bị 1 thiết bị thu câu của Nhật nên ngư dân vẫn sử dụng bộ câu của họ để tăng thu nhập. Do đó cần trang bị thêm thiết bị, tập huấn cho ngư dân sử dụng thành thạo bộ câu. Đặc biệt, thời gian tới cần cử cán bộ qua Nhật học cách phân loại cá để định giá cá cho ngư dân. Sắp tới Bình Định đầu tư 20 tàu câu cá ngừ, tỉnh sẽ làm việc với ngân hàng giúp ngư dân vay vốn mua các trang thiết bị phục vụ cho việc khai thác, bảo quản cá ngừ theo quy trình Nhật Bản”. Ông Lê hữu lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét