Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Đầu tư tiền Việt “lời” hơn ngoại tệ

Tăng thu nhập, tiện tiêu dùng

Mọi thu chi trong gia đình bà Nguyễn Thị Sinh (phố Nguyễn Lương Bằng) đều dựa vào khoản lãi tiền tiết kiệm hàng tháng gửi ngân hàng, do đó, khi lựa chọn hình thức gửi tiền, bà Sinh phải tính toán sao cho có lợi nhất. Trước đây, bà thường có 2 cuốn sổ tiết kiệm, một cuốn sổ tiền Việt là toàn bộ số tiền chắt chiu sau gần 30 năm đi làm của cả hai vợ chồng, còn tiền con, cháu ở nước ngoài gửi về biếu, tặng, bà dồn vào cuốn sổ tiết kiệm tiền USD. 

Đầu tư tiền Việt “lời” hơn ngoại tệ - 1

Lãi suất tiền gửi của tiền đồng hiện cao hơn gấp 5-6 lần so với ngoại tệ. Ảnh minh họa.

Trước đây, thời gian tỷ giá biến động, đã có lúc bà chuyển toàn bộ tiền Việt sang tiền USD, nhưng giờ đây, trong khi lãi suất tiền Việt lên tới 8,1% cho kỳ hạn 12 tháng và lãi suất từ gửi USD chỉ 1,25%/năm, bà Sinh thức thời, chuyển toàn bộ số USD sang tiền Việt để chi tiêu sinh hoạt dư dả hơn. “Tôi hầu như không đi nước ngoài, cũng không mua sắm gì bằng đô, nên gửi tiền Việt là có đồng ra đồng vào hơn cả. Rõ ràng là đồng tiền của mình bây giờ đang có lợi hơn hẳn”, bà Sinh cho hay.

Cũng chọn tiền Việt để sinh lời hiệu quả, ông bà Hồng (Hoàn Kiếm) có 2 căn nhà mặt tiền trên phố cổ cho thuê. Người thuê nhà trả tiền 6 tháng/lần nên có bao nhiêu tiền nhàn rỗi, ông bà đều gửi vào ngân hàng để lấy lãi thay vì tích cóp mua vàng và USD như trước đây. Bà Hồng vẫn tự hào rằng dù đã ở tuổi gần 70, nhưng ông bà vẫn nhạy bén, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Với vợ chồng anh Lại Minh Nam (Cầu Giấy), lãi từ tiền gửi tiết kiệm như một phần thêm vào tiền học hành cho các con. Theo phong trào của dân văn phòng, trước đây, anh chị cũng thích giữ tiền “đô”, nhưng sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất tiền gửi giữa tiền Việt và ngoại tệ khiến anh chị phải nghĩ lại. “Từ ngày chuyển sang gửi tiền Việt, gia đình tôi cải thiện đáng kể thu nhập. Những người thân của tôi giờ cũng thích gửi ngân hàng bằng đồng tiền của mình hơn. Khi nào cần đi du lịch, chữa bệnh, việc đổi sang USD rất đơn giản, vì không còn tình trạng loạn tỷ giá và chênh lệch giữa ngân hàng với thị trường “chợ đen” như trước”, anh Nam chia sẻ. 

Thêm một lý do nữa để gia đình anh Nam từ bỏ thói quen tích trữ ngoại tệ, đó là tỷ giá của đồng USD hiện rất ổn định. Dù hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, NHNN có điều chỉnh tỷ giá tăng 1%, nhưng thị trường hầu như không có biến động gì đáng kể, vẫn ở mức khoảng 21.200-21.250 VND/USD. 

Xu thế đầu tư nhiều ưu thế

Lý giải về hiện tượng người gửi tiền đang chuyển nhiều sang VND, tiến sĩ Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng: có sự chênh lệch rất lớn so với huy động nội tệ, bởi tiền gửi ngoại tệ có lãi suất thấp, chỉ khoảng 1,25%, cùng lắm là 1,5% so lãi suất gửi tiền Việt lên đến 8,1% với cùng kỳ hạn trên 12 tháng. Do đó, người dân vẫn mặn mà hơn với gửi tiền Việt.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế (VIB) nhấn mạnh: Chênh lệch lãi suất hiện nay giữa tiền đồng và USD tạo ra một khoảng cách rất hấp dẫn cho đồng nội tệ. Ông Trung phân tích: “Tôi lấy ví dụ thế này, một người có USD gửi vào ngân hàng kỳ hạn 3 tháng và hưởng lãi suất 1% tiền gửi; trong khi đó, lãi suất tiền đồng hiện nay là khoảng 6%, chênh lệch vẫn còn 3% - 4% sau khi trừ 1- 2% mất giá đồng nội tệ”. 

Ông Lê Quang Trung nhận định: Đồng nội tệ vẫn có nhiều ưu thế hơn trong việc tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm. Do đó, đầu tư vào đồng nội tệ vẫn cao hơn so với cầm nắm ngoại tệ. “Tôi nghĩ cách điều hành tỷ giá của NHNN hiện tại là hợp lý, luôn bám sát thị trường và có các biện pháp can thiệp thị trường kịp thời. Với tư cách là thành viên tham gia thị trường tôi đánh giá cao cách điều hành tỷ giá của NHNN”, ông Trung nói.

Source : 24h[dot]com[dot]vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét