Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Ai đứng sau những thương hiệu Việt vang bóng thế kỷ 20?

Người xây chợ Lớn - Bình Tây

Doanh nhân Quách Diệm (thường được gọi là Quách Đàm, 1863-1927) vốn là người gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 14 tuổi, ông sang Việt Nam, khởi nghiệp bằng nghề mua bán phế liệu ở khu vực Chợ Lớn. Dần dần, ông kinh doanh sang da trâu, sở hữu một xưởng thuộc da, xưởng rượu, xưởng dệt, rồi lập công ty Thông Hiệp, chuyên xuất nhập khẩu hóa vật, thổ sản.

Ai đứng sau những thương hiệu Việt vang bóng thế kỷ 20? - 1

Tượng ông Quách Diễm (Quách Đàm)

Những năm đầu thế kỷ 20, ông giàu lên nhờ kinh doanh lúa gạo với mạng lưới thu mua khắp Nam kỳ. Ngoài nhà máy xay lúa Di Xương, ông còn mở thêm ba nhà máy lớn khác tại Mỹ Tho, lấy tên Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên. Sau này, việc kinh doanh của vị doanh nhân người Việt gốc Hoa còn phát triển trong cả ngành đường và bông vải, với các nhà máy trải dài ở cả Tây Ninh và Campuchia. Để tiện lợi cho việc chuyển hàng hóa giữa các chi nhánh, ông lập hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hong Kong, Quảng Châu, Sán Đầu.

Khi Chợ Lớn (cũ) bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn, ông đã xuất tiền xây một khu chợ mới cách đó không xa, trên diện tích 17.000 m2 thuộc thôn Bình Tây cũ, lấy tên là Chợ Bình Tây. Chợ được khởi công từ năm 1928, hoàn thành năm 1930, nay được người dân quen gọi với tên Chợ Lớn (mới) và trở thành một biểu tượng của Sài Gòn.

Chợ Lớn - Bình Tây là một trong những chợ lớn và lâu đời nhất của TP.HCM được xây cất theo kĩ thuật phương Tây, chuyên kinh doanh sỉ, cung ứng hàng hóa cho cả nước.

Từ người học việc đến ông chủ thương hiệu Hynos

Rất nhiều người Sài Gòn sinh ra và lớn lên vào thế kỷ 20 vẫn còn nhớ đến kem đánh răng Hynos, một thương hiệu Việt từng làm mưa làm gió trên thị trường. Ở bất cứ con phố lớn hay khu dân cư nhỏ nào vào thời đó, người ta cũng có thể bắt gặp biển quảng cáo kem đánh răng Hynos với hình người đàn ông da đen nở nụ cười tươi rói, khoe hàm răng trắng sáng. Người đã đưa thương hiệu Hynos từ một xưởng sản xuất nhỏ trở thành ông lớn trên thị trường vào thế kỷ 20 là doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa (còn gọi là Vương Đạo Nghĩa).

Ai đứng sau những thương hiệu Việt vang bóng thế kỷ 20? - 2

Hình ảnh kem đánh răng Hynos trên khắp phố phường Sài Gòn

Ban đầu ông Nghĩa chỉ là người làm thuê cho chủ hãng kem Hynos, vốn thuộc sở hữu của một gia đình người Mỹ gốc Do Thái sống tại Sài Gòn. Tuy nhiên, biến cố gia đình người chủ đã khiến hãng kem đánh răng nhỏ bé này được trao lại vào tay ông, bởi ông được tiếng là trung thành, cần cù làm ăn.

Với sự nhanh nhẹn và nhạy cảm kinh doanh, cộng thêm cách thức làm truyền thông rất mới lạ, doanh nhân này đã nhanh chóng đưa thương hiệu Hynos trở nên quen thuộc với người Sài Gòn. Tận dụng cách quảng cáo trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình, ông đã đưa hình ảnh anh Bảy Chà cười toe với hàm răng trắng chói có mặt khắp nơi trên các đường phố, ngõ hẻm, đánh bật những tên tuổi ngoại. Thậm chí, ông Huỳnh Đạo Nghĩa đã thuê cả tài tử Hong Kong nổi tiếng thời đó là Vương Vũ sang đóng phim quảng cáo cho hãng, góp phần đưa tên tuổi Hynos vươn ra cả thị trường Đông Nam Á, Hong Kong. Đến năm 1975, Hynos được sáp nhập, và là tiền thân của thương hiệu kem đánh răng Phong Lan và P/S ngày nay.

Doanh nhân Trần Khiêm Khánh và bột Bích Chi

Bột gạo lứt Bích Chi với hình ảnh biểu tượng mẹ bồng con từng một thời là sản phẩm thân thuộc với các bà nội trợ của thế kỷ trước. Đằng sau những thông tin ngắn gọn về lịch sử hình thành: “Nhà máy bột Bích Chi được thành lập năm 1966 tại Đồng Tháp”…, là câu chuyện thăng trầm của một thương hiệu gắn với cuộc đời người đàn ông khởi nguồn nên thương hiệu này, ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh), hiện đang sống tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. 

Thời điểm năm 1966, khi chăm sóc cô con gái nhỏ Trần Thị Bích Chi, ông Tư Khánh đã sáng tạo ra loại bột này từ những kinh nghiệm thời còn chiến đấu tại chiến trường. Thời kỳ đỉnh cao của bột Bích Chi là những năm 1970-1975, khi lần đầu tiên thương hiệu này được đầu tư quảng bá và phân phối rộng rãi tại các thị trường lớn như TP.HCM, các tỉnh miền Tây và Nam Trung Bộ… thu hút đông đảo người dùng. 

Ai đứng sau những thương hiệu Việt vang bóng thế kỷ 20? - 3

Từ tình yêu con gái, ông chủ bột Bích Chi đã sáng tạo ra thương hiệu gắn bó với nhiều thế hệ người Việt

Cùng với những biến chuyển lịch sử, nhà máy và thương hiệu bột Bích Chi được ông Tư Khánh tự nguyện hiến cho Nhà nước. Năm 1976, nhà máy trực thuộc công ty Sữa Cà phê miền Nam (tiền thân công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk ngày nay), sau đó được giao về tỉnh Đồng Tháp. Năm 2001, công ty bột Bích Chi được cổ phần hóa, đổi tên thành công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, và có thị trường tiêu thụ trải rộng từ châu Á, Úc, Mỹ, Canada, EU và một số nước Ảrập.

Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba

Chủ nhân của thương hiệu hóa mỹ phẩm nổi danh nhất ba thập kỷ đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam là doanh nhân Trương Văn Bền (1883 - 1956). Vốn sinh ra trong một gia  đình có truyền thống làm nghề thủ công ở Sài Gòn, ông Bền gắn với nghề kinh doanh dầu dừa từ khi mới 25 tuổi. Khi nghiệp kinh doanh trải rộng trong ngành nông nghiệp với nghề cao su và xay lúa, ông mới bắt đầu bắt tay vào làm xà bông bởi nhìn thấy một thị trường tiền năng còn để ngỏ. Công ty ông khi đó lấy tên là Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils – Huilerie et Savonnerie Vietnam), sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba nức tiếng một thời.

Tỷ phú Trương Văn Bền.

Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông. Trước ngày giải phóng, sản phẩm này không có đối thủ trên thị trường nội địa, thậm chí đánh bật cả sản phẩm của Pháp là xà bông Marseilles, và xuất sang các nước Đông Dương, tới tận Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi. Ngay đến những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn tạo lập được thị phần rộng lớn trên toàn quốc, và chỉ lui về sau khi hàng loạt sản phẩm của các hãng nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.

Ai đứng sau những thương hiệu Việt vang bóng thế kỷ 20? - 4

Doanh nhân mê gốm sứ và thương hiệu Minh Long

Xuất thân trong gia đình họ Lý có ba đời làm gốm sứ tại làng gốm Lái Thiêu, Bình Dương, ông Lý Ngọc Minh bén duyên với nghề của tổ tiên từ năm 12 tuổi. Năm 16 tuổi, bố mất, mẹ ốm nặng, ông Minh bất đắc dĩ phải gánh vác gia đình, trở thành ông chủ trẻ của xưởng sản xuất đồ dùng bằng gốm với thương hiệu Thái Bình.

Ai đứng sau những thương hiệu Việt vang bóng thế kỷ 20? - 5

Từ xưởng gốm 100 năm của gia đình, doanh nhân Lý Ngọc Minh đã tạo ra sản phẩm gốm sứ Minh Long được nhiều người Việt ưa chuộng

Để tăng tính thẩm mỹ cho gốm sứ gia đình, ông bỏ ra 3 năm để học và nghiên cứu men màu, rồi kết hợp nó với sản phẩm gốm tại Đồng Nai, và lập ra công ty gốm sứ Minh Long vào năm 1970. Sau thời gian đầu xây dựng công ty với vô vàn khó khăn, thiếu khách hàng, phải lặn lội hàng nghìn cây số ở xứ người để được quan sát quy trình công nghệ sản xuất gốm, ông mới đạt được thành công khi công ty bước vào sản xuất đồ gốm mỹ nghệ xuất khẩu đi các nước, đứng đầu là Pháp.

Năm 1995, Minh Long bắt đầu đầu tư sản xuất bộ đồ ăn bằng sứ cao cấp, rồi tạo ra những sản phẩm chén dĩa, bộ đồ ăn bằng sứ chất lượng cao, được nung nhiệt độ 1.380 độ C theo tiêu chuẩn của Đức. Hiện sản phẩm đã được tiêu thụ mạnh và xuất khẩu đi sang các nước châu Âu như Đức, Pháp, Nhật, Hà Lan, Mỹ... Gốm sứ Minh Long là thương hiệu được người Việt ưa chuộng tới tận ngày nay.

Source : 24h[dot]com[dot]vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét